Cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư sẽ phải làm gì?
Cổ phiếu bị hủy niêm yết là những cổ phiếu không được tiếp tục giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán như HOSE, HNX hay UPCOM.
Một loạt cổ phiếu đã bị hủy niêm yết đáng chú ý như FLC (FLC Group), THA (Công ty cổ phần Ô Tô Trường Hải - Thaco), IBC (Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings) ... khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang về số phận khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Vậy việc cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán có khiến các nhà đầu tư bị ảnh hưởng hay không?
Việc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán có thể là bị bắt buộc phải hủy hoặc do doanh nghiệp tự yêu cầu hủy.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán, nên việc này không còn tình huống mới. Tuy nhiên, việc những mã chứng khoán của doanh nghiệp lớn bị hủy đồng nghĩa với việc có khá nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết là những cổ phiếu không được tiếp tục giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh: Khánh Chi/BNEWS/TTXVN
Tại sao cổ phiếu lại bị hủy niêm yết?
Có nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết. Nếu doanh nghiệp có cổ phiếu đang niêm yết trên sàn xuất hiện những dấu hiệu sau thì rất có khả năng cổ phiếu đó sắp bị hủy khỏi Sở giao dịch chứng khoán.
- Công ty không làm thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong vòng 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết
- Cổ phiếu không đáp ứng được điều kiện niêm yết chứng khoán theo luật của Việt Nam
- Công ty phát hành cổ phiếu ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 1 năm trở lên.
- Công ty phát hành chứng khoán kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp.
- Công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động, đăng ký kinh doanh.
- Cổ phiếu không có bất kỳ giao dịch nào trên sàn trong 12 tháng.
- Công ty không còn tồn tại do hoạt động sáp nhập hoặc chia tách, hợp nhất với công ty khác.
- Công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp
- Công ty cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết, làm giả mạo hồ sơ niêm yết.
- Công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin.
Để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, không minh bạch thông tin, có dấu hiệu làm giá, hoặc đang trong diện kiểm soát...
Các hình thức hủy niêm yết chứng khoán
Theo Quy định của pháp luật về hủy niêm yết cổ phiếu (nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 155): hủy niêm yết là việc chấm dứt giao dịch chứng khoán niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán.
Có hai hình thức hủy niêm yết chính là hủy tự nguyện và hủy bắt buộc
Cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ ra sao? Ảnh: Đức Duy/BNEWS/TTXVN
Cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ ra sao?
Các công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM khi đảm bảo điều kiện công ty đó là công ty đại chúng và vẫn đáp ứng đủ điều kiện để đăng ký giao dịch cổ phiếu.
Cổ phiếu dù có được giao dịch trên sàn UPCOM hay không, có tính thanh khoản hay không thì vẫn có giá trị và vẫn thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư có cơ hội thu lại giá trị này nếu có một bên mua lại để sáp nhập hoặc tái cơ cấu công ty.
Công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết hoặc chủ động hủy niêm yết trên sàn chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên hệ thống UPCOM và việc đăng ký niêm yết lại sẽ phải tuân theo quy định của pháp luật.
Mua cổ phiếu bị hủy niêm yết thì sao? Có nên mua không? Cổ phiếu bị hủy niêm yết thường có giá cực thấp, một số nhà đầu tư sẽ nhân cơ hội để mua vào số cổ phiếu này với mong muốn có cơ hội chuyển mình trong tương lai. Mặc dù cơ hội rất nhỏ nhưng không phải là không có.
Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư phải làm gì?
Nếu cổ phiếu bạn mua bất ngờ bị hủy niêm yết thì phải làm thế nào? Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi công ty hủy niêm yết cổ phiếu sẽ phải mua lại số cổ phiếu này, nếu không, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu công ty chuyển cổ phiếu lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp (UPCOM). Lúc này, nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây (hủy niêm yết chuyển sàn).
Đối với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn
Trường hợp này, giá cổ phiếu có thể sẽ tăng khi chuyển sang sàn mới. Đồng thời, số lượng cổ phiếu đang nắm giữ cũng không ảnh hưởng.
Đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết do kinh doanh không tốt, vi phạm quy định
Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để duy trì thanh khoản, mặc dù lúc này thanh khoản sẽ rất yếu. Nhà đầu tư cần chú ý và liên tục cập nhật thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp, thận trọng khi phân tích những vấn đề có thể xảy ra, nếu thấy khả năng rủi ro cao, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản thì nên bán đi nhanh chóng.
Đối với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn
Đối với trường hợp này, cổ phiếu sẽ không được lên sàn chứng khoán nữa, dù là UPCOM, nhà đầu tư hãy sớm liên hệ với phòng cổ đông của công ty để được cấp lại sổ, xem lại chính sách thu mua cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc thương lượng với người mua khác.
Cổ phiếu bị hủy niêm yết, mất thanh khoản nhưng giá trị vẫn còn và có thể sẽ có nhà đầu tư lớn thu mua với mục đích thâu tóm hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp.
Về lý thuyết, cổ phiếu bị hủy niêm yết dạng này vẫn có khả năng phục hồi nhưng theo những chuyên gia từ TOPI và các chuyên gia chứng khoán nhận định, trên thực tế là rất khó bởi vậy nếu là một nhà đầu tư chứng khoán, bạn cần liên tục cập nhật thông tin, luôn tìm hiểu nguồn thông tin nội bộ để có thể thoát hàng trước khi rơi vào tình cảnh nắm giữ nhiều cổ phiếu bị hủy nhé.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận