Cổ phiếu "bất động" suốt 7 tháng, DIG khiến khát vọng làm giàu của 65.000 cổ đông bị "delay"?
Quan sát đồ thị, có thể thấy cổ phiếu DIG của DIC Corp (sàn HoSE) gần như đi ngang quanh mốc 27.000 đồng kể từ đầu tháng 12/2023 tới nay. Nhịp tăng duy nhất được ghi nhận trong giai đoạn này là nửa cuối tháng 3/2024 giúp mã vượt mốc 33.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cú rơi của VN-Index những ngày cuối tháng 4 khiến mọi nỗ lực tăng giá nhanh chóng "bốc hơi".
Cùng với trạng thái lình xình, thanh khoản cổ phiếu DIG cũng giảm liên tục kể từ nửa cuối tháng 3, về mức thấp nhất 15 tháng.
3 tháng gần nhất, các giao dịch của dòng tiền lớn không còn xuất hiện nhiều ở cổ phiếu doanh nghiệp nhà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn.
Mặt khác, dù không phải tâm điểm giao dịch của khối ngoại song nhóm này đã liên tục bán ra cổ phiếu DIG trong 4 tháng gần nhất, tổng khối lượng gần 12 triệu đơn vị, giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Được biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại DIC Corp hiện chỉ khoảng 4,27% - tương ứng hơn 26 triệu đơn vị.
Cùng chiều với khối ngoại, dòng tiền cá nhân cũng bắt đầu bán ra trong một tuần giao dịch gần đây. Đối ứng, tổ chức và khối tự doanh là các bên mua vào.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 27/4, DIG Corp đã không thể hiện tổng số cổ đông hiện hữu. Doanh nghiệp chỉ cho biết có 2.101 cổ đông tham dự ở cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, số liệu quá khứ người viết có được hồi cuối tháng 6/2023, doanh nghiệp bất động sản này có gần 65.000 cổ đông, nắm giữ xấp xỉ 710 triệu cổ phiếu. Đây là con số cao Top đầu nhóm bất động sản niêm yết, tương đương cổ đông FLC và thấp hơn "quân số" Novaland.
Khác với một số doanh nghiệp cùng ngành vừa được Chứng khoán MBS dự phóng tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý II/2024 như SZC (-16%), IDC (-37%), KBC (-39%), DXG (-70%) hay KDH (-75%), hồi trung tuần tháng 6, DIC Corp đã tổ chức họp sơ kết công tác kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó tiết lộ quý II đạt doanh thu hợp nhất 874 tỷ đồng và lãi trước thuế 160 tỷ, lần lượt tăng 437% và 814% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cũng tích cực hơn nhiều so với mức doanh thu "tượng trưng" - 0,5 tỷ đồng và lỗ trước thuế gần 121 tỷ trong quý I.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao cổ phiếu DIG chưa phản ứng tích cực với thông tin hỗ trợ về kinh doanh?
Quan sát thực tế, đa phần các cổ phiếu thường "chạy" trước khi doanh nghiệp phát đi những thông tin khả quan. Có thể kể đến trường hợp của MWG, FRT, DGW, HDB, HSG, POW - nhóm được dự phóng lợi nhuận quý II/2024 tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, diễn biến ở cổ phiếu DIC Corp và nhóm bất động sản đầu ngành lại không như vậy.
Trên các hội nhóm, diễn đàn, yếu tố kỹ thuật về dòng tiền tại nhóm cổ phiếu địa ốc bắt đầu được nhắc tới nhiều hơn. Phe bán không còn hào hứng bán khiến DIG, DXG, CII... bước vào trạng thái "tiết cung". Với việc 6 tháng gần như bất động, phải chăng nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ sớm "phất cờ"?
Được biết, năm 2024, DIC Corp đặt mục tiêu 2.300 tỷ đồng doanh thu (+72%) và lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng (+508,9%). Sau 6 tháng, công ty ước lãi 39,1 tỷ đồng - tương đương 3,9% kế hoạch năm. Tham vọng nghìn tỷ thậm chí đã bị cổ đông đặt câu hỏi nghi ngờ ngay tại ĐHCĐ cách đây hơn 2 tháng.
Nội tại doanh nghiệp bất động sản và thị trường địa ốc hiện vẫn còn khá yếu. Điều này có thể là minh chứng cho sự ì ạch của nhóm cổ phiếu đại diện trên sàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận