24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Có nên tích sản bằng chứng khoán ở tuổi 26?

Chuyên gia khuyên nếu đủ quỹ dự phòng, đầu tư chứng khoán định kỳ là chiến lược phù hợp với người trẻ hiện tại và trong vài năm tới.

Tôi là nữ, 26 tuổi, độc thân, đã đi làm được hai năm. Ngoài làm công việc chính thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, có thêm thu nhập phụ 9 triệu đồng. Tôi ở cùng bố mẹ nên mỗi tháng chỉ phụ đóng tiền học cho em gái và chi tiêu của bản thân. Do đó, mỗi tháng, tôi dư hơn 5 triệu đồng.

Hiện tại, tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền, trong đó: 100 triệu gửi tiết kiệm, 18 triệu đầu tư một mã chứng khoán đang có lãi nhẹ. Tôi xin ý kiến chuyên gia về 3 dự định như sau.

Thứ nhất, sắp tới tôi có thể tiết kiệm thêm khoảng 30 triệu đồng, đang muốn đầu tư tiếp chứng khoán dài hạn (chỉ tập trung 1-3 mã trong đó có mã đang sở hữu) và chứng chỉ quỹ dài hạn.

Thứ hai, phần dư 5 triệu đồng mỗi tháng, tôi tính phân bổ vào chứng chỉ quỹ 1,5 triệu, đầu tư chứng khoán một triệu, gửi tiết kiệm online 1,5 triệu và dự phòng phát sinh một triệu.

Thứ ba, công ty thường trả lương vài tháng một lần, nên sau mỗi lần lãnh, tôi có thêm một khoản 30-50 triệu đồng. Tôi chưa biết phân bổ đầu tư khoản tiền đấy vào đất, vàng, chứng khoán hay tiếp tục gửi tiết kiệm.

Nguyễn Thị Cúc

Có nên tích sản bằng chứng khoán ở tuổi 26?
Khách hàng đang giao dịch chứng khoán tại một trụ sở trên đường Pasteur, quận 1, tháng 1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuyên gia tư vấn:

Trước tiên, theo thông tin bạn cung cấp, tôi có một số nhận xét ban đầu về tài chính cá nhân của bạn như sau. Thu nhập từ tiền lương của bạn còn dài (do bạn mới ra trường hai năm, sẽ làm việc lâu trên thị trường lao động) và có nhiều tiềm năng phát triển thu nhập. Do đó, bạn có thể phân bổ nhiều hơn vào các tài sản mang tính biến động cao nhưng lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu, hay trường hợp có số vốn lớn hơn là bất động sản.

Bạn đã có nguồn thu nhập dư đều đặn dù công ty thường chi trả không đồng đều. Nhìn dài hạn, bạn sẽ có thu nhập thặng dư từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có quỹ dự phòng, chính là 100 triệu tiết kiệm dạng tiền gửi ngân hàng. Thông thường, quỹ dự phòng sẽ tương đương 3-6 tháng chi tiêu (khoảng từ 15-25 triệu đối với mức chi tiêu hiện tại). Mức này sẽ phụ thuộc vào việc bạn có các sản phẩm bảo vệ tài chính hay không. Quỹ này cần tăng lên hơn mức 6 tháng chi tiêu nếu như trong 2-3 năm tới, bạn là người cung cấp nguồn thu nhập chính cho gia đình và bố mẹ không có lương hưu hoặc bảo hiểm. Nếu bố mẹ ít phụ thuộc vào bạn trong ít nhất 3-5 năm tới và họ cũng có lương hưu hoặc bảo hiểm, tôi đánh giá khoản tiết kiệm 100 triệu đồng là đã dư cho dự phòng.

Với các phân tích trên, tôi đưa ra khuyến nghị bạn không cần tăng quá nhiều vào các khoản dự phòng (tiền gửi) trừ khi rơi vào những hợp nêu trên hoặc những giai đoạn lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao (có thể áp dụng mức 8,8% trở lên với kỳ hạn 12 tháng, thường cũng đi kèm với giai đoạn không tốt của thị trường).

Khi nguồn lực con người trong tương lai còn dài và có khoản thặng dư đều đặn với số thấp, đầu tư chứng khoán định kỳ là một chiến lược phù hợp với bạn hiện tại và trong vài năm tới.

Với khoản tiền đầu tiên, 30 triệu đồng sắp có (khác khoản 5 triệu đồng hàng tháng), tôi khuyến nghị nên đầu tư tiếp vào tài sản tích sản bạn đang có. Do không nắm được danh mục bạn đang phân bổ nên tôi đưa ra cách phân bổ chung là chia làm ba lần rót vốn (mỗi lần 10 triệu) và mỗi lần mua cách nhau ít nhất một tháng.

Bạn nên ưu tiên mua những phiên thị trường điều chỉnh hoặc cổ phiếu đang muốn mua điều chỉnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể ưu tiên dịp này tăng độ cân bằng danh mục. Ví dụ danh mục bạn một mã nào đó tương đối ít hơn các mã khác về giá trị, nên mua nhiều hơn khi phân bổ số tiền này để giúp danh mục cân bằng hơn.

Về phần 5 triệu đồng hàng tháng, theo tôi không nên phân bổ quá phân mảnh như bạn đề xuất. Phần gửi tiết kiệm online vừa sinh lãi vừa được xem là dự phòng (vì tiền gửi tiết kiệm online bạn có thể rút ngay lập tức, tính thanh khoản gần tương đương tiền mặt). Do đó, nếu bạn không rơi vào tình huống phát sinh người phụ thuộc, khoản dự phòng thêm là không cần thiết.

Thay vì chia nhỏ, bạn có thể phân bổ hoàn toàn 5 triệu vào tài khoản đầu tư (chứng chỉ quỹ và chứng khoán riêng lẻ). Theo đó, bạn có thể rót tiền vào một quỹ nào đó 2,5 triệu hàng tháng và 2,5 triệu còn lại đổ vào cổ phiếu riêng lẻ. Việc này không cần quá cứng nhắc và có thể phân bổ tháng này ưu tiên vào quỹ, tháng sau ưu tiên vào cổ phiếu vì 2,5 triệu đồng khó có thể mua được lô 100 cổ phiếu đối với thị trường hiện tại. Việc phân bổ vào cổ phiếu riêng lẻ hay quỹ nhiều hơn, phụ thuộc vào bạn hiểu thị trường đến mức nào và hiểu biết nhiều về doanh nghiệp đang tích sản ra sao. Nếu hiểu biết hạn chế, tôi khuyến nghị nên phân bổ lớn hơn vào chứng chỉ quỹ.

Về số lương lãnh dồn nhiều tháng được 30-50 triệu đồng, tương tự như khoản 30 triệu bạn đề cập đầu tiên, nên ưu tiên vào thị trường chứng khoán thay vì các lựa chọn khác. Bất động sản sẽ phù hợp ở giai đoạn sau khi bạn đã tích lũy đủ lớn và thu nhập chủ động từ công việc cao và ổn định hơn để đủ chi trả cho các khoản lãi và gốc trả định kỳ khi mua bất động sản.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang định giá tương đối rẻ trong lịch sử, khá phù hợp để tích sản giai đoạn hiện nay. Biểu đồ hệ số P/B định giá thị trường của VN-Index dưới đây cho thấy những giai đoạn đường màu trắng (định giá thị trường) nằm phía dưới đường màu xanh liền nét (đường trung bình) là lúc thị trường định giá rẻ và phù hợp cho tích sản dài hạn.

Có nên tích sản bằng chứng khoán ở tuổi 26?
Hệ số P/B của VN-Index dưới đường trung bình, một trong những biểu hiện cho thấy định giá thị trường đang rẻ. Nguồn: FIDT

Ngoài ra, bạn có thể mua ít vàng (nhưng không phân bổ quá lớn) trong mỗi lần có khoản đột biến. Khoản này nên được tính vào chung khoản dự phòng, tiết kiệm bạn đã có.

Huỳnh Hoàng Phương

Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư

tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả