Cơ hội đầu tư trong giai đoạn dòng tiền lưỡng lự
Dòng tiền sau khi tạo sóng ở nhóm đầu cơ đang có xu hướng đứng ngoài quan sát. Giới chuyên gia phân tích đã chia sẻ góc nhìn về cơ hội đầu tư trong giai đoạn này.
Có thể xem xét nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ gói đầu tư công và kích thích kinh tế
Với số lượng kỷ lục 221.314 tài khoản mở mới trong tháng 11 vừa qua, vượt qua con số của cả năm 2019 (192.567), chúng ta có thể thấy rằng động lực của nhiều đợt tăng nóng gần đây của các mã cổ phiếu đến từ lượng tiền mặt mới tham gia thị trường và nhanh chóng muốn có vị thế cổ phiếu.
Đợt điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết để giảm đi tâm lý mua theo đà tăng mà không cần quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Nếu thị trường có khoảng chững lại và đi ngang tích lũy thì có thể coi là kịch bản tích cực khi thị trường khó tìm thêm chất xúc tác cho đến kỳ báo cáo tài chính cuối năm và dịch bệnh có nguy cơ phức tạp hơn với biến chủng mới.
Nhà đầu tư có thể xem xét nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ gói đầu tư công và kích thích kinh tế, đây là những nhóm có rủi ro ở mức thấp nhất trong tình hình dịch bệnh hiện tại.
Mức tăng giá mạnh của thị trường chứng khoán trong năm 2020 và 2021, trong khi nền kinh tế chịu tác động lớn của đại dịch kể từ quý III năm nay khiến cho dư địa tăng giá của các cổ phiếu trong năm 2022 không còn nhiều và chắc chắn độ sàng lọc sẽ cao hơn, dù xu hướng dòng tiền mới gia nhập thị trường vẫn đang mạnh mẽ.
Cơ hội ở các cổ phiếu có câu chuyện riêng
Cuối năm thường là thời điểm nhà đầu tư có xu hướng chuyển một phần tài sản đầu tư sang tiền mặt để thanh toán một số khoản nợ, chuẩn bị thanh khoản cho các hoạt động mua sắm cuối năm, cũng như lên kế hoạch phân bổ nguồn vốn vào các hạng mục đầu tư khác nhau. Trong bối cảnh hầu hết các cổ phiếu đều đã ghi nhận mức tăng giá khá mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ trong một giai đoạn ngắn vừa qua thì việc nhà đầu tư có xu hướng chốt lời trong giai đoạn cận kề cuối năm là điều bình thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dòng tiền sẽ chưa quay lại với thị trường ngay, thậm chí là sẽ tạm thời rút lui khỏi thị trường chứng khoán.
Dù vậy, về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn và chắc chắn dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường trong năm sau.
Chỉ số VN-Index thiết lập mức đỉnh mới ở gần ngưỡng 1.500 điểm vào thời điểm cuối tháng 11 đi cùng áp lực rung lắc đã gia tăng đáng kể từ vùng 1.450 điểm theo sau đó là nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh trong những phiên vừa qua. Trong bối cảnh như vậy, các cơ hội đầu tư ngắn hạn từ giờ cho đến hết năm cũng không còn quá nhiều.
Tuy nhiên, một số gợi ý mà chúng tôi đã đưa ra có thể sẽ vẫn còn phù hợp trong giai đoạn những tuần cuối cùng của năm 2021 như các doanh nghiệp sản xuất hướng tới xuất khẩu như đồ gỗ, thủy sản…; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất khẩu như vận tải hàng hóa nội địa, cảng biển - logistics...; nhóm doanh nghiệp sản xuất các hóa chất cơ bản và một số hàng hóa đầu vào thiết yếu cho sự vận hành của nền kinh tế như nông nghiệp, sản xuất điện, khai thác dầu khí...
Cuối cùng là các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến hoạt động tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán - sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn…
Nhìn chung, dịch Covid-19 đặt nền kinh tế Việt Nam ở trong một giai đoạn có nhiều biến động, xét cả về nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh kinh tế trên thế giới. Ở trong nước, chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới” và vừa đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang dần cải tổ lại “động cơ tăng trưởng” của mình, hướng đến mục tiêu tăng trưởng thân thiện hơn với môi trường cũng như phục vụ số đông người dân tốt hơn.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên bắt đầu tiến hành tìm kiếm dần các cổ phiếu mục tiêu cho danh mục nắm giữ dài hạn trong năm 2022 và tiến hành giải ngân trong giai đoạn mức độ biến động của thị trường thu hẹp hơn so với thời điểm hiện tại và mặt bằng giá mới của các cổ phiếu được thiết lập ổn định hơn.
Chỉ nên tích lũy cổ phiếu có tính an toàn cao
Trong thời gian tới, đà tăng của thị trường sẽ gặp nhiều cản trở, diễn biến lình xình tăng, giảm đan xen nhiều khả năng diễn ra sẽ khiến dòng tiền trên thị trường bớt dồi dào hơn giai đoạn trước.
Tôi đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành hưởng lợi từ 2 yếu tố là việc mở cửa nền kinh tế hậu Covid-19 và gói kích thích kinh tế của Chính phủ.
Đối với yếu tố đầu tiên, các ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, du lịch, giải trí… có thể được ưu tiên khi các hoạt động kinh tế dần được khôi phục, nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng được đẩy mạnh.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng theo dõi diễn biến dịch Covid-19 trong nước, đề phòng rủi ro các quy định giãn cách xã hội có thể được tái áp dụng trong kịch bản xấu.
Đối với yếu tố thứ hai, các doanh nghiệp thuộc ngành hưởng lợi thuộc các ngành hạ tầng, đầu tư công, xây dựng, bất động sản... có tiềm năng thu hút được dòng tiền. Đối với nhóm doanh nghiệp này, nhà đầu tư cần chú ý đến các thông tin liên quan tới gói kích cầu nhiều khả năng được thông qua trong kỳ họp bất thường diễn ra vào cuối tháng 12, đầu tháng 1/2021.
Vùng giá hiện tại của chỉ số VN-Index với mức P/E quanh 17 lần không phải quá hấp dẫn trong bối cảnh thị trường hiện đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố tích cực/tiêu cực đan xen như rủi ro lạm phát, biến động lãi suất, chính sách tiền tệ của Fed, dịch Covid-19 trong nước, chủng Omicron, gói kích thích kinh tế của Chính phủ, giá dầu… Do đó, việc tích luỹ cổ phiếu ở thời điểm này cho danh mục đầu tư năm 2022 chỉ nên tập trung ở các cổ phiếu có tính an toàn cao, cơ bản tốt, đảm bảo duy trì khả năng tăng trưởng lợi nhuận và ít có tính đầu cơ.
Dòng tiền chảy về các cổ phiếu cơ bản
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank
Sau giai đoạn giảm mạnh với nhiều phiên sàn trắng bên mua, nhà đầu tư đã nhận thấy rõ rủi ro lớn khi tham gia vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Do đó, việc dòng tiền chảy về các cổ phiếu cơ bản để đảm bảo an toàn cho danh mục đầu tư là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Với hàng loạt dự án thuộc kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ chuẩn bị được triển khai trong giai đoạn cuối năm, cổ phiếu ngành xây dựng có thể là điểm đến tiềm năng của dòng tiền trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu này còn được hưởng lợi khi nhiều nguyên vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường… tiếp tục xu hướng giảm sau khi tạo đỉnh vào tháng 7, giúp biên lợi nhuận được kỳ vọng cải thiện từ quý IV/2021.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành nâng room tín dụng đối với một số ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt và đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm như TPB, TCB, MSB…
Nhóm bất động sản với đặc điểm thường bàn giao dự án vào cuối năm cũng rất đáng chú ý. Tuy vậy, dòng tiền sẽ có xu hướng phân hóa và tập trung vào các doanh nghiệp có năng lực tài chính, dự án đảm bảo pháp lý và bàn giao đúng tiến độ như VHM, NLG, KDH, HDC…
Đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu cho năm 2022. Cụ thể, với hàng loạt gói kích thích kinh tế được triển khai trong thời gian tới, tăng trưởng GDP trong năm 2022 dự kiến tăng 6,5 -7%.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể là động lực khiến các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc-xin, góp phần phục hồi thị trường tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, thủy sản…
Theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022, hiện nay chính là cơ hội mua cổ phiếu tốt ở vùng giá hợp lý cho nhà đầu tư dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận