Cổ đông lớn hoàn tất thoái sạch vốn tại TTL
Trong ngày 26/01/2022, ông Mai Trọng Thịnh đã bán ra gần 4.7 triệu cp TTL của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL).
Sau thương vụ, ông Thịnh không còn nắm giữ cổ phiếu TTL nào. Trước đó, cá nhân này là cổ đông lớn sở hữu 11.14% vốn tại TTL.
Trong phiên 26/01, cổ phiếu TTL ghi nhận khối lượng thỏa thuận đúng bằng lượng cổ phiếu mà ông Thịnh bán ra với giá trị gần 70 tỷ đồng, trong khi khớp lệnh chỉ đạt 2,000 cp. Như vậy, khả năng cao ông Thịnh sẽ thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 4, TTL ghi nhận doanh thu thuần tăng 53% so với cùng kỳ, lên gần 443 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm 33% do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia.
Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, TTL thu về 2.6 tỷ đồng lãi ròng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của TTL. Đvt: Tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần tăng 73% so với thực hiện năm 2020, đạt gần 1,263 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí nên lãi ròng gần như đi ngang, chỉ ở mức gần 13 tỷ đồng.
Trong năm 2021, TTL đặt kế hoạch đem về 1,296 tỷ đồng doanh thu và hơn 24 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, TTL đã thực hiện được 98% mục tiêu doanh thu và 52% mục tiêu lãi sau thuế 2021.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của TTL ghi nhận hơn 2,198 tỷ đồng, tăng 42% so với con số hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 71%, xuống còn 75 tỷ đồng.
Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 55%, lên gần 1,107 tỷ đồng và hàng tồn kho cũng tăng 77%, lên gần 340 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm này cũng tăng 58%, lên hơn 1,590 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay dài hạn tăng vọt từ 7 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 223 tỷ đồng trong khi nợ vay ngắn hạn chỉ tăng gấp đôi, giá trị hơn 263 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận