Cổ đông lớn của SVN thay nhau thoái vốn
Tổng số lượng cổ phiếu SVN mà các cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Vexilla Việt Nam (HNX: SVN) bán ra thời gian gần đây là hơn 5.5 triệu cp.
Nguồn: HNX
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng báo cáo không còn là cổ đông lớn của SVN sau khi bán 1 triệu đơn vị trong phiên 26/10/2022, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 5.74% (hơn 1.2 triệu cp) xuống còn 0.98% (204,800 cp).
Điều đáng nói là ông Tùng rời ghế cổ đông lớn SVN chỉ sau gần 2 tháng ngồi vào vị trí này. Trước đó, ông Tùng mua mới 1.2 triệu cp SVN, chiếm tỷ lệ 5.74% vốn của Công ty, và trở thành cổ đông lớn vào ngày 31/08/2022.
Bà Lê Thị Hương cũng không còn là cổ đông lớn của SVN từ ngày 31/08/2022, sau khi thoái sạch 1.53 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 7.29% vốn của Công ty.
Một cổ đông lớn khác của SVN là ông Đỗ Bảo Anh cũng đang miệt mài thoái vốn tại đây. Ông Bảo Anh được bổ nhiệm làm Người phụ trách quản trị kiêm thư ký Công ty từ ngày 30/06/2022. Tuy nhiên, SVN đã miễn nhiệm ông Bảo Anh, đồng thời bầu ông Nguyễn Văn Chiến - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SVN - làm Người phụ trách quản trị kiêm thư ký Công ty thay ông Bảo Anh từ ngày 06/10/2022. Do đó, ông Bảo Anh bắt đầu bán bớt cổ phiếu SVN ngay ngày 06/10/2022.
Tổng số lượng cổ phiếu SVN mà ông Bảo Anh bán ra trong thời gian qua là 3 triệu cp, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 23.81% (5 triệu cp) xuống còn 9.52% (2 triệu cp).
Các cổ đông lớn của SVN thay nhau thoái vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu đã giảm hơn 55% so với đỉnh 11,000 đồng/cp vào cuối tháng 3 năm nay, xuống còn 4,900 đồng/cp (phiên sáng 02/11).
Xét về kết quả kinh doanh, SVN mới ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 năm nay nên không thể so sánh với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét về quy mô lợi nhuận thì con số ghi nhận rất thấp, chỉ hơn 417 triệu đồng.
Theo đó, lợi nhuận ròng 9 tháng của Công ty chưa tới 1 tỷ đồng, chỉ ở mức gần 823 triệu đồng.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của SVN đạt gần 275 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn hơn 175 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản và tăng 44% so với đầu năm.
Điểm tích cực là SVN không sử dụng đòn bẩy tài chính và nợ phải trả ở mức thấp, chỉ chiếm 19% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ phải trả chính là khoản phải trả người bán gần 53 tỷ đồng, gấp 4.5 lần đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường