Cổ đông “họ” Sông Đà “khóc ròng” chờ cổ tức
Báo Đấu thầu vừa nhận được phản ánh về việc nợ cổ tức kéo dài triền miên của nhiều công ty có vốn góp của Tổng công ty Sông Đà (doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng). Việc nợ cổ tức gây thiệt hại kinh tế không chỉ cho các cổ đông nhỏ lẻ, mà ảnh hưởng tới cả cổ đông lớn là Nhà nước.
“Om” tiền cổ tức
Theo Điều 132 Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần phải chia cổ tức cho cổ đông trong vòng 6 tháng sau ngày họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều công ty có vốn góp của Tổng công ty Sông Đà vẫn xin “khất nợ” cổ tức.
Mới đây nhất, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tiếp tục thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2016 và 2017 bằng tiền mặt.
Theo đó, đối với cổ tức năm 2016, Công ty dự kiến thanh toán vào ngày 31/12/2020, thay vì ngày 30/9/2019 như thông báo trước đó. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức năm 2017 vào ngày 31/12/2020 thay vì chia thành 2 đợt vào ngày 30/9/2019 và 31/12/2019. Đây đã là lần thứ 4, Sudico xin "khất" cổ tức năm 2016 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán.
Cổ tức năm 2016 được Sudico chốt trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% theo mệnh giá. Cổ tức năm 2017 được chốt chia thành 2 đợt trả bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 10% theo mệnh giá. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, tổng số tiền mà Sudico sẽ phải chi ra cho 2 đợt thanh toán trên vào khoảng hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền cổ tức Sudico phải trả cho cổ đông Nhà nước vào khoảng 72 tỷ đồng.
Không thu xếp được nguồn vốn để trả cổ tức như đã thông qua tại ĐHĐCĐ cũng là lý do Công ty CP Sông Đà 9 đưa ra để tiếp tục “khất” cổ tức năm 2017 lần thứ 4. Cụ thể, Hội đồng Quản trị Công ty đã lùi ngày thanh toán từ 27/9/2019 theo kế hoạch ban đầu sang ngày 22/5/2020.
Ngoài Sudico, Sông Đà 9, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, một loạt doanh nghiệp thuộc “họ” Sông Đà cũng “om” tiền cổ tức trả cổ đông. Chẳng hạn như, Công ty CP Sông Đà 3 lùi ngày thanh toán cổ tức năm 2015 sang tận cuối tháng 12/2020; Công ty CP Sông Đà 4 hoãn chi trả cổ tức năm 2016 lần thứ 7 sang ngày 29/4/2020; Công ty CP Sông Đà 6 thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2015 và 2016 sang ngày 20/10/2020…
Không dễ đòi lại quyền lợi
Hiện Nhà nước đang nắm giữ lượng vốn lớn tại các doanh nghiệp trên. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của các cổ đông mà còn làm mất niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, theo quy định, thị giá cổ phiếu được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chi trả cổ tức vào ngày giao dịch không hưởng quyền, bất chấp việc doanh nghiệp chưa thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Xử lý như thế nào với những trường hợp doanh nghiệp nợ cổ tức, hay làm sao để cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ, có thể đòi được cổ tức? Đây là các bài toán được nhiều ý kiến đánh giá là không dễ. Bởi quy định pháp luật hiện nay không can thiệp sâu vào việc chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Trong thực tế, ĐHĐCĐ của các công ty thường chỉ thông qua tỷ lệ cổ tức, còn thời gian thanh toán được ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định.
Theo luật sư Phạm Hồng Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, việc chi trả cổ tức là giao dịch dân sự, do đó để đòi lại quyền lợi, không có cách nào khác là cổ đông khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận