Cơ chế rủi ro PPP dần được tháo gỡ
Sau nhiều mong đợi, những chính sách chia sẻ rủi ro trong thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã thành hình, hứa hẹn sẽ hoàn thiện cơ chế để thu hút NĐT vào dự án PPP trong thời gian tới...
Tại văn bản số 5787/BKHĐT-QLĐT ngày 16/8/2019 về việc hoàn thiện dự thảo Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã thiết kế và bổ sung nhiều quy định về bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.
Điển hình như việc đảm bảo cân đối rủi ro ngoại tệ được áp dụng với dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Văn bản của Bộ KH&ĐT nêu rõ, điều kiện áp dụng là Chính phủ chỉ can thiệp sau khi DN dự án đã thực hiện quyền mua ngoại tệ tại các TCTD được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DN dự án. Hạn mức bảo lãnh được quy định là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu cũng được áp dụng đối với các dự án trọng điểm. Theo đó sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chia sẻ rủi ro doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng PPP nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án, Chính phủ chia sẻ với NĐT, DN dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Ngược lại, NĐT, DN dự án cũng chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, dự thảo mới nhất đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP với nguyên tắc không áp dụng hình thức PPP ở những lĩnh vực trước nay chưa có dự án, hoặc có dự án nhưng không hiệu quả, hoặc có thể triển khai theo hình thức đầu tư khác. Ngoài ra, để bảo đảm tính lâu dài của luật và tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành, dự thảo luật quy định cơ chế các bộ, ngành, địa phương được đề xuất các lĩnh vực đầu tư PPP khác, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Cùng với đó, dự thảo luật đề xuất nhiều chính sách mới, đáng chú ý là DN dự án được phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên việc phát hành trái phiếu chỉ tiến hành sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Dự thảo luật cũng nêu rõ, DN dự án chỉ được phát hành trái phiếu theo quy định của luật này; đồng thời phải huy động vốn chủ sở hữu của NĐT mà không phát hành cổ phiếu đại chúng. Những quy định cụ thể này nhằm khắc phục tình trạng NĐT không có tiềm lực về vốn tham gia vào các dự án PPP.
Cơ chế chia sẻ rủi ro là nhóm vấn đề được các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm. Bà Lynn Tho - chuyên gia quốc tế về PPP của Công ty Ernst & Young Singapore phân tích, NĐT có những quan ngại riêng như cơ chế bảo lãnh dự án ra sao, khi vi phạm hợp đồng thì xử lý như thế nào. Vì vậy một văn bản luật đúng, theo bà, phải làm cho NĐT cảm thấy được an toàn và bảo vệ. “Sự hỗ trợ của Chính phủ với PPP rất quan trọng. Đây là câu chuyện của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam”, bà nhấn mạnh.
Với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực PPP, bà Lynn Tho cũng cho rằng, Chính phủ không thể hỗ trợ doanh thu cho tất cả các dự án mà phải lựa chọn các dự án sẽ hỗ trợ dựa trên những tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, bà khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra chính sách tiêu chuẩn về sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình. Các chính sách đó bao gồm mức vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình tối đa được phép cho một dự án; các tiêu chí/điều kiện để một dự án được nhận vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình; các nguyên tắc giải ngân để triển khai vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình…
Ông Sanjay Grover - chuyên gia quốc tế của ADB, cũng lưu ý, Chính phủ chỉ sử dụng cơ chế chia sẻ rủi ro khi cần thiết hoặc đối với những dự án có hiệu quả. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới áp dụng với hình thức đầu tư này.
Các chuyên gia quốc tế cũng nhấn mạnh một số vấn đề về khung pháp lý và thể chế mà NĐT hiện nay rất quan tâm. Theo đó, DN dự án PPP nên được áp dụng chế độ kiểm toán tương tự như những DN tư nhân thông thường khác, không nên áp dụng yêu cầu kiểm toán như đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, luật nên cho phép vốn chủ sở hữu được góp theo tiến độ thoả thuận tại hợp đồng dự án PPP; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được tự do trong việc lựa chọn diễn đàn giải quyết tranh chấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường