Cơ cấu tổng cầu kinh tế Việt Nam thời bình thường mới
Bước vào thời kỳ bình thường mới với sự đánh giá cao của thế giới, cơ cấu kinh tế của Việt Nam có gì mới?
So với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, điều mới và rõ ràng nhất đối với nền kinh tế là độ mở của chính sách và độ đóng của thương mại quốc tế. Cách giãn xã hội, hạn chế giao thương quốc tế, đóng cửa biên giới ảnh hưởng lên cán cân thương mại - một phần đóng góp rất quan trọng của GDP, vì trong cả năm 2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 9,9 tỷ USD.
Độ đóng đối với thương mại là điều mới mẻ so với một Việt Nam trước đại dịch. Ngược lại, Việt Nam sau dịch có độ mở rất lớn của cả chính sách tài khoá và tiền tệ. Nhiều tác động xảy ra đồng thời đang thay đổi cơ cấu tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.
Tổng cầu hàng hoá của một quốc gia bao gồm cầu hàng hoá chi tiêu cho tiêu dùng của hộ gia đình, chi tiêu cho đầu tư, chi tiêu của Chính phủ trong đầu tư công và cầu hàng hoá dịch vụ từ cán cân thương mại thông qua xuất và nhập khẩu.
Hộ gia đình thay đổi nhu cầu sau đại dịch
Trước đại dịch, GDP Việt Nam 2019 ghi nhận 2 năm liên tiếp tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2011, cầu hàng hoá dịch vụ từ hộ gia đình duy trì ở mức cao do tổng thu nhập cao tương ứng. Sau khi dịch xảy ra, bên cạnh vấn đề giãn cách xã hội tạo nên sự suy giảm tổng cầu trong ngắn hạn, thì kể cả khi đã mở cửa nền kinh tế trở lại hoàn toàn, các dịch vụ giải trí như du lịch, vũ trường, quán bar mở cửa lại, tổng cầu cũng sẽ không hoàn toàn phục hồi như trước dịch, do lượng khách nước ngoài suy giảm, tâm lý cảnh giác do dịch bệnh chưa thực sự qua đi.
Câu chuyện người ta tranh nhau mua giấy vệ sinh, nhu yếu phẩm trong những ngày đầu dịch hiện không còn nữa. Sau một trận đại dịch, đứng trước bệnh tật và ngưỡng sinh tử, cầu hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xa xỉ ít nhiều suy giảm. Thêm vào đó, xuất phát từ sự thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp, tổng thu nhập của hộ gia đình không có cơ sở để gia tăng. Khi tổng thu nhập giảm thì chi tiêu khó mà tăng.
Cầu hàng hóa thu hẹp
Việc đầu tư của khối doanh nghiệp cao hay thấp chủ yếu dựa trên triển vọng đầu ra. Cơ bản là, khi bán được hàng trong nước hay xuất khẩu được nhiều ra nước ngoài, doanh nghiệp mới có cơ sở để nghĩ đến đầu tư mở rộng sản xuất, chứ không hẳn chỉ dựa vào việc lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay từ ngân hàng rẻ.
Covid-19 được phòng chống tốt ở Việt Nam, điều đó rất đáng mừng. Nhưng rất tiếc, điều này chưa xảy ra ở 215 quốc gia khác, trong đó có những thị trường xuất khẩu then chốt của Việt Nam, như Mỹ (thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất), hay khu vực chung châu Âu (chiếm thị phần xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam).
Vì vậy, quá chủ quan khi cho rằng, trong đại dịch, cầu hàng hoá từ nước ngoài không thay đổi. Cầu hàng hoá của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, đơn giản là vì, nếu mở rộng thì cũng chỉ tạo thêm hàng tồn kho.
Cầu hàng hoá xuất khẩu là một biến hy vọng
Xuất khẩu của Việt Nam hứa hẹn tăng trưởng đối với thị trường Mỹ. Hy vọng này bắt nguồn từ phát biểu mới đây tại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông khuyến nghị người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam và một vài quốc gia khác, thay cho các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế. Vấn đề là, ông Trump có tái đắc cử vào tháng 11 tới hay không là một câu hỏi lớn trong bối cảnh Chính phủ đương nhiệm chưa kiểm soát được dịch bệnh tại Mỹ, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và biểu tình liên tiếp xảy ra.
Một tia sáng khác đến từ vấn đề Hồng Kông, khi ông Donald Trump tuyên bố không thể tiếp tục xem đây là một vùng tự trị đối với Trung Quốc. Do vậy, Mỹ đã thông báo hủy quy chế đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông, nghĩa là Hồng Kông không còn được hưởng một số điều khoản ưu đãi về thương mại của Mỹ và đôi bên đình chỉ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp.
Việc Chính phủ Mỹ rút đặc quyền của Hồng Kông đã tạo nên một bước ngoặt tích cực cho hoà bình chung khu vực châu Á, nhất là những quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc. Ổn định kinh tế, chính trị luôn là một điều tiên quyết cho phát triển kinh tế, điều sẽ giúp Việt Nam được lựa chọn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền tảng cho quy mô xuất khẩu tương lai.
Đặc điểm khác biệt của cầu hàng hoá xuất phát từ chi tiêu Chính phủ
Tổng cầu hàng hoá xuất phát từ chi tiêu Chính phủ tăng mạnh dựa vào độ mở rất rộng của chính sách tài khoá. Với mục tiêu phục hồi kinh tế hình chữ V, Chính phủ Việt Nam liên tục triển khai chi tiêu đầu tư. Đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán gần đây, nhất là đối với những doanh nghiệp trực tiếp thực thi công trình.
Khác với cầu hàng hoá tiêu dùng của hộ gia đình là những nhóm hàng như quần áo, thịt, rau, học phí hay giải trí…, Chính phủ thường chi tiêu vào những công trình hàng hoá công. Khoản chi tiêu nổi trội nhất của Chính phủ Việt Nam gần đây là xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội); tuyến kết nối giao thông cho sân bay Long Thành (Đồng Nai); hầm chui ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM)…
Dĩ nhiên, các hộ gia đình và doanh nghiệp đều sẽ được hưởng lợi từ những công trình trên, nhưng chi tiêu của Chính phủ lại thường phục vụ mục tiêu mang lại sự bình đẳng và phát triển xã hội, hơn là mục tiêu lợi nhuận trong kinh tế, nhất là trong ngắn hạn.
Để hiểu rõ hơn một cách khách quan về đặc điểm của cầu hàng hoá xuất phát từ chi tiêu Chính phủ, hãy xét ví dụ về tuyến đường sắt cực kỳ nhộn nhịp được Chính phủ Trung Quốc xây dựng nối thành phố Vũ Hán, nơi được nhắc rất nhiều trong đại dịch Covid-19, với thành phố Quảng Châu.
Chính phủ Trung Quốc xây dựng tuyến đường này như một khoản đầu tư vào dịch vụ công để phát triển kinh tế - xã hội, do đó không đặt lợi ích kinh tế, cũng không yêu cầu đáp ứng mục tiêu kinh doanh có lãi lên hàng đầu. Số liệu báo cáo về tình hình hoạt động của tuyến đường sắt này cho thấy, năm 2010, việc kinh doanh lỗ tới 200 triệu nhân dân tệ, nhưng họ nhận được khoản trợ cấp 830 triệu nhân dân tệ từ Chính phủ. Khoản trợ cấp này, theo thông lệ kế toán doanh nghiệp tiêu chuẩn Trung Quốc, được coi là doanh thu, nên tập đoàn này đã báo cáo khoản lợi nhuận trước thuế là 630 triệu nhân dân tệ.
"Xuất khẩu của Việt Nam hứa hẹn tăng trưởng đối với thị trường Mỹ. Hy vọng này bắt nguồn từ phát biểu mới đây tại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông khuyến nghị người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam và một vài quốc gia khác, thay cho các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế."
Đặc điểm của đầu tư công thì lỗ là chuyện bình thường, nhất là trong ngắn hạn, bởi Chính phủ thà tiếp tục trợ cấp, bù lỗ, vẫn sẽ bán giá vé thật rẻ để khơi thông giao thông và nâng cao bình đẳng trong phát triển đô thị. Tại Việt Nam, ví dụ có thể kể đến là giá vé của hệ thống xe buýt ở Hà Nội và TP.HCM luôn duy trì rất thấp để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm ùn tắc. Vì thế, lợi nhuận trên những khoản đầu tư công này rất thấp, nếu xét trên phương diện hiệu quả kinh tế.
Cầu hàng hoá đầu tư của Nhà nước vừa khác về loại hình, vừa khác về mục tiêu, vừa khác về tiến độ dòng tiền. Khi Chính phủ chi tiêu, người ta kỳ vọng sẽ thúc đẩy tổng cầu theo cấp số nhân (Hiệu ứng số nhân - Multiplier effect), nhưng trong dài hạn, cũng ảnh hưởng lên cầu hàng hoá đầu tư do việc gia tăng tổng cầu làm cho cầu tiền tăng, dẫn đến kéo lãi suất tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng tiêu cực lên cầu hàng hoá đầu tư.
Xét về những yếu tố trung và dài hạn, có phần vội khi đưa ra nhận xét, nhưng điều có thể thấy ngay là đầu tư của Chính phủ hướng tới bình đẳng phát triển xã hội trong nhiều thế hệ. Do đó, động lực tăng trưởng kinh tế phải dựa vào sự tự hồi phục của doanh nghiệp trong sản xuất và tạo ra thặng dư kinh doanh, chứ không thể lâu dài dựa vào chi tiêu đầu tư công.
Tóm lại, tổng cầu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam thời kỳ mới có sự thay đổi ở cơ cấu. Sự sụt giảm của cầu hàng hoá hộ gia đình đi kèm với xu hướng chuyển dịch về nhóm hàng hóa thiết yếu hơn là xa xỉ. Cầu hàng hóa đầu tư suy giảm do tổng cầu toàn cầu suy giảm chưa phù hợp để tăng gia sản xuất.
Cầu hàng hoá xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào diễn biến chiến tranh thương mại, then chốt ở điểm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo có phải là ông Donald Trump hay không. Đồng thời, bất chấp Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cầu hàng hoá xuất khẩu vẫn bị phụ thuộc vào tốc độ phục hồi sau dịch của khu vực chung châu Âu.
Cầu hàng hóa và dịch vụ xuất phát từ chi tiêu của Chính phủ được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng phục hồi, nhưng cần lưu ý, đặc trưng của cầu hàng hóa đầu tư công chú trọng phúc lợi xã hội hơn là thặng dư kinh tế, vì thế không có nhiều dư địa cho tăng trưởng trong dài hạn.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận