Cơ cấu ngành nông nghiệp 2021-2025: tăng 10 lần diện tích nông nghiệp hữu cơ?
Phó chủ tịch liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng giai đoạn 2021-2025 cần tăng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ lên 15-20% thay vì chỉ đặt mục tiêu 1,5-2% để đáp ứng được xu thế của thế giới và thời đại.
Ngày 27-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết trước những tồn tại thách thức của ngành, sự phát triển nhanh chóng của thị trường và sự đổi mới của hội nhập quốc tế nhằm phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
"Bộ NN&PTNT sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, người dân, doanh nghiệp,... để có kế hoạch thích ứng với hình ảnh của nền nông nghiệp mới" - ông Hoan nói
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng một số chỉ tiêu cụ thể còn thấp như chỉ tiêu ứng dụng công nghệ cao 20%, sản xuất có chứng nhận 25%, chỉ tiêu sản xuất các sản phẩm có liên kết hợp tác 30%.
"Bộ NN&PTNT cần quyết tâm mạnh mẽ hơn, tính toán, nghiên cứu tăng các chỉ tiêu trên thêm 5% so với mức đề xuất hiện nay" - ông Dương nói
Theo ông Dương, giai đoạn vừa qua, một số cơ chế chính sách phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 như Nghị định 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành chậm vừa thiếu rất nhiều điều kiện để triển khai có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn rất nhiều nội dung các bộ ngành chưa hướng dẫn nên ở địa phương vẫn còn tắc nhiều, hiệu quả triển khai còn hạn chế.
"Đặc biệt là tín dụng trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề như tín dụng ưu đãi nông dân, doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận, do đó đây là vấn đề cần tháo gỡ trong giai đoạn tới" - ông Dương nói
Phó chủ tịch liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng nhu cầu của xã hội, thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường 100 triệu dân Việt Nam cũng vậy, nhu cầu hiện nay là ăn ngon mặc đẹp và cần chất lượng.
"Để đáp ứng yêu cầu này thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy mục tiêu cụ thể cần tăng diện tích đất hữu cơ, bởi mục tiêu từ 1,5-2% còn rất thấp mà cần phải nâng lên 15-20% mới đáp ứng được xu thế của thế giới và thời đại.
Hơn nữa, để đảm bảo sản phẩm hữu cơ, thì tỉ lệ phân bón hữu cơ cũng phải tăng nhưng mục tiêu đặt ra còn thấp, mới chỉ 15%, do đó ông Nghị kiến nghị tăng lên 50%" - ông Nghị đề nghị
Ông Nghị cũng cho rằng sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao cũng cần phải tăng từ 20% lên 50%. Tỷ lệ sản phẩm được sản xuất thông qua liên kết được hợp tác cần đặt mục tiêu 50% thay vì 30% bởi phải sản xuất lớn, quy mô lớn thì mới cạnh tranh được chuỗi giá trị toàn cầu hóa.
"Theo quy luật, quy mô càng lớn thì càng có quyền quyết định cung cầu, giá cá của sản phẩm, do đó cần phải liên kết sản xuất để thành quy mô lớn, đây là việc đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam" - ông Nghị nói
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận