Có 90 mã chứng khoán trên HOSE bị cắt margin
Theo danh sách do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa công bố thì nhóm cổ phiếu có lợi nhuận sau thuế sau soát xét là số âm đang chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách các mã chứng khoán bị cắt margin.
Mới đây nhất, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa thông báo bổ sung hai mã chứng khoán AAM của Công ty CP Thủy sản Mekong và VCA của Công ty CP Thép VICASA – VNSTEEL vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Nguyên nhân do cổ phiếu VCA có thời gian niêm yết dưới 6 tháng, trong khi cổ phiếu AAM thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo.
Như vậy, tính đến nay trên sàn HOSE hiện có tổng cộng 90 mã chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ. Chiếm tỷ lệ nhiều nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí gồm các mã chứng khoán như PTL, PXI, PXS, PXT... Các cổ phiếu này không được cấp margin chủ yếu do doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 sau khi soát xét bị âm, hoặc báo cáo chưa được chấp thuận toàn bộ từ đơn vị kiểm toán.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 sau soát xét là số âm cũng chiếm số lượng lớn với 24 mã, tiêu biểu như HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, VNS của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun, TDH của Công ty ThuDuc House, SJF của Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương, PNC của Công ty CP Văn hóa Phương Nam... Bên cạnh đó, có nhiều mã trên báo cáo tài chính bán niên năm 2020 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán như BHN của Tổng công ty Bia – Rượu – nước giải khát Hà Nội, BVH của Tập đoàn Bảo Việt, MSH của Công ty CP May Sông Hồng...Số còn lại là các mã chứng khoán có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, theo quan sát của giới đầu tư chứng khoán thì một điểm đáng chú ý là hiện nay, không ít cổ phiếu bị loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích cao cấp của CTCK VCSC cho biết, hiện nay khả năng tháo chạy của dòng tiền khỏi các cổ phiếu bị cắt margin khó xảy ra. Do thị trường sớm nhìn nhận bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn do tác động của COVID-19 nên danh sách cắt margin được công bố không gây bất ngờ. Nhà đầu tư không còn lo ngại như trước, mà đánh giá giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, lượng hóa các rủi ro để đưa ra quyết định nắm giữ, giảm tỷ trọng hay thoát khỏi vị thế với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các công ty chứng khoán, cổ phiếu bị cắt margin, nhưng công ty chứng khoán vẫn có thể áp dụng cơ chế linh hoạt với nhà đầu tư. Tỷ lệ cổ phiếu đang được cho vay và khả năng thu hồi vốn nếu trường hợp xấu xảy ra sẽ quyết định đến việc công ty áp dụng cơ chế riêng cho mỗi trường hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường