Chuyện “tiền luật”, “cò thông quan” ở cửa khẩu Lạng Sơn
“Container muốn qua Trung Quốc bỏ hàng thì bắt buộc phải làm luật, xác định để còn làm ăn lâu dài thì mình kiếm được 20 triệu phải bỏ ra 10 triệu, biết vô lý nhưng mình cũng không thể làm gì được…”.
Đó là chia sẻ của một trong nhiều tài xế tại cửa khẩu Lạng Sơn sau thông tin hé lộ về “đường dây làm luật” gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Cụ thể, theo quy định, tại các cửa khẩu biên giới, các tài xế chở hàng phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “cò” để “làm luật”.
Đáng nói, lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “cò” đẩy từ mức vài triệu đồng như thường lệ lên tới hàng chục triệu đồng. Các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.
Thông thường, các tài xế hoặc chủ xe container buộc phải nộp hết giấy tờ xe cho “cò” để lo mọi thủ tục, giấy tờ để xe thông quan sang Trung Quốc, sau đó báo chi phí về để tài xế thanh toán.
“Bây giờ nó tính tiền tài bo, tiền Trung Quốc, vẽ ra đủ thứ tiền. Họ bảo bao nhiêu thì mình phải đưa, không đưa không được. Không đưa ai đưa giấy tờ xe cho, làm sao mà về được...”, một tài xế xe container bức xúc chia sẻ với báo chí.
Hơn một tháng ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu Lạng Sơn khiến nhiều xe container buộc phải quay đầu, chờ “giải cứu” ở thị trường nội địa với mong muốn giảm bớt tổn thất. Thế nhưng, một số xe container dù chưa qua cửa khẩu nhưng vẫn bị "cò" thu tiền với lý do đã làm thủ tục thông quan, nếu không trả tiền sẽ không trả giấy tờ xe cho tài xế.
“Đã không trả được hàng lại còn đòi thu tiền người ta, mà thu cao. Không bỏ được hàng ra cũng mất chục triệu. Nói chung tài xế bây giờ không nói được, không có quyền lợi mà nói. Xe sang Trung Quốc là quyền sinh, quyền sát trong tay người ta”, tài xế này chia sẻ.
Đáng chú ý, theo phản ánh của các tài xế, chủ hàng, muốn thông quan nhanh còn phải chi tới hàng trăm triệu đồng để mua “lốt”. Xe nào mua “lốt” thì được lên cửa khẩu sớm hơn, còn không phải nằm chờ, có khi thời gian chờ đến lượt thông quan lên tới hơn 20 ngày thì hoa quả cũng đã bị hư hỏng.
Anh N.V.B, một tài xế quê Bắc Giang chia sẻ, trong quá trình xuất khẩu hàng hóa tại đây, anh liên tục được các “nhà luật” gọi đến chèo kéo, theo cách: nếu xe đã trả hàng xong, quay về và vòng lại vào bãi lấy “lốt” trong vòng 15 ngày (lúc này xe không có hàng), sẽ được trả công 24 triệu đồng.
Sau đó, các “lốt” này sẽ được bán lại cho các xe khác chở hàng từ nội địa lên cửa khẩu xuất hàng mà không phải xếp “lốt” từ đầu.
Nhiều tài xế khác còn cho biết, “nhà luật” bán giá “lốt” lên cửa khẩu từ 60 đến 200 triệu đồng, còn thời điểm hiện tại mỗi “lốt” đang có giá khoảng 100 triệu đồng (chưa kể phí vận tải và các chi phí khác).
“Xe chịu chi thì vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu để xuất hàng ngay sang Trung Quốc. Trong khi xe tôi phải mất hơn 20 ngày xếp “lốt”, di chuyển, đối diện với việc bị thối, hỏng hàng, bán lỗ. Quá bất công nên nhiều xe buộc phải quay đầu chờ giải cứu”, một tài xế phản ánh.
Được biết liên quan tới việc này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, giao Công an tỉnh này vào cuộc xác minh thông tin “làm luật, xếp lốt” với giá cả trăm triệu đồng để thông quan nông sản ở biên giới.
Thông cáo ngày 13/1 của UBND tỉnh Lạng Sơn cũng nêu rõ, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng tiêu cực xảy ra trên khu vực cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, xác minh vụ việc. Trường hợp phát hiện những trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
"Kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ chiếm trên 50% GRDP của tỉnh. Xác định được vai trò quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã luôn chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo thực hiện nghiêm các nguyên tắc điều hành hoạt động xuất nhập khẩu”, nội dung văn bản nêu.
Để tìm hiểu rõ về vụ việc, sáng ngày 14/1/2022, Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tuy nhiên, không nhận được phản hồi!
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận