Chuyên gia: Vốn nội "gồng" quá khỏe, chính sách tiền tệ nới lỏng hết năm 2024, Vn-Index có thể đạt 1.400 điểm
Ngân hàng Nhà nước có thể gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền USD, xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI,.... Câu chuyện hoán đối này có thể tác động tích cực hơn động thái bơm tiền bởi tính lan toả sâu rộng hơn...
Khối ngoại bán ròng là lực cản lớn nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày cuối năm 2023. Thống kê từ HoSE cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 23.500 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam tính từ đầu năm tới hết ngày 18/12/2023.
TIỀN NỘI "GỒNG" QUÁ TỐT
Bình luận về xu hướng bán ròng của khối ngoại tại toạ đàm đầu tư "2024 – Đi lên từ chân sóng" do FiinTrade phối hợp với FIDT tổ chức cuối tuần qua, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT FIDT cho rằng trên thị trường chứng khoán có 4-5 thực thể đầu tư gồm nhà đầu tư cá nhân, quỹ ETF, quỹ chủ động, tự doanh...
Trong 2 năm kể từ tháng 3/2022 tới giờ, các quỹ chủ động có hiệu suất đầu tư thấp và đem so sánh với các thị trường khác như Mỹ hay Anh thì chắc chắn sẽ bị cổ đông rút tiền ra. Và với quỹ chủ động, cổ đông họ sẽ quyết định rút ra hay không trong vòng một vài tháng nên chúng ta chứng kiến hiện tượng tháng 12 là tháng cuối cùng để quyết định bán với cường độ bán lớn. Trong khi đó, các ETF thấy định giá chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn thì họ quay lại đổ ròng vào.
"Chúng ta có cú gồng quá tốt bởi dòng tiền nội. Dòng tiền nội thực sự khỏe nếu không khỏe thì VN-Index sẽ sập về dưới 1.000 là có thể xảy ra. Tại sao tiền nội khỏe? Chúng tôi tiếp xúc nhiều khách hàng, họ có những khoản vay margin với lãi suất 5-6%, với mức lãi suất này mà đưa vào sản xuất chưa có gì tốt cả, đơn hàng chưa có, bất động sản chỉ có thể M&A dự án, nên chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn. Lãi suất 5-6% chưa bằng một cây trần", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá về triển vọng thị trường năm 2024, theo ông Tuấn, chứng khoán tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách.
Kinh tế Mỹ năm 2024 được dự báo tăng trưởng chậm lại dưới mức tiềm năng nhưng không diễn ra suy thoái hay dự phóng hạ cánh mềm. Fed cũng vừa có thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần giảm lãi suất 2024, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam. "Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ khoảng 2 quý trong năm 2024, nhưng giờ tự tin môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách sẽ duy trì cả năm 2024 để hỗ trợ cho nền kinh tế", chuyên gia FIDT nhận định.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có thể gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền USD, xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI,.... Câu chuyện hoán đối này có thể tác động tích cực hơn động thái bơm tiền bởi tính lan toả sâu rộng hơn.
BA KỊCH BẢN CHO CHỨNG KHOÁN NĂM 2024
Tại hội thảo, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT - đưa ra 3 kịch bản dự báo cho VN-Index năm 2024.
Thứ nhất, kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt 2024; Kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm"; Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế; Dòng vốn ngoại trở lại từ cuối Quý II/2024.
Thứ hai, kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm, biên độ dao động là +/- 30 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; Kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn; Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên; Dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.
Thứ ba, kịch bản tiêu cực với VN-Index đạt 1.150 điểm, biên độ dao động là +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn “bấp bênh”; Kinh tế Mỹ xảy ra mild recession (suy thoái nhẹ); Pháp lý bất động sản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; Dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển (Developed Market - DM).
Ông Phương nêu quan điểm của FIDT là có tới 65% xác suất sẽ rơi vào kịch bản thứ nhất; xác suất của kịch bản thứ 2 là 20% và cuối cùng là 15% sẽ có khả năng rơi vào tiêu cực.
Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng năm sau vẫn sẽ là năm của các cổ phiếu có câu chuyện riêng như nhóm đầu tư công, cơ sở hạ tầng, nhóm liên quan quy hoạch điện VIII (xây lắp, năng lượng), nhóm thủy sản, bất động sản, chứng khoán... Tuy nhiên nhà đầu tư tránh mua đuổi vùng giá cao và phải chọn lọc cổ phiếu.
Về mặt định giá, theo ông Phương, nhiều ngành trên thị trường hiện tại đang có định giá P/B khá thấp, trong đó, có những ngành đang nằm ở vùng định giá thấp nhất trong lịch sử...
“Các ngành trên thị trường hiện tại đang có định giá P/B khá thấp và nằm ở biên dưới của vùng biến động định giá trong lịch sử từ 2016-nay. Trong đó, có những ngành đang nằm ở vùng định giá thấp nhất trong lịch sử như Bất động sản, Hóa chất và Hàng cá nhân & Gia dụng”, ông Phương đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận