Chuyên gia: Tái cơ cấu nợ có thể cứu nguy hay đẩy bất động sản vào "cơn sóng gió"?
Theo chuyên gia, khi xử lý tài sản để thu hồi nợ, cách thức sẽ khác so với kinh doanh bất động sản thông thường. Điều này tạo áp lực lớn lên các chủ đầu tư trong việc bán hàng, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cung cấp bất động sản với giá hợp lý cho thị trường.
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way nhận định rằng, các nhà đầu tư bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn từ các ngân hàng.
Dẫn theo số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Hồi cho biết, đến cuối tháng 6/2024, tổng tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản đã vượt mốc 3,083 triệu tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế, tăng 6,8% so với cuối năm 2023.
Ông Hồi cho rằng sự gia tăng tín dụng cho bất động sản có phần chịu tác động từ các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn đã được gia hạn từ ngày 30/6/2024 đến 31/12/2024, theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN.
Ông phân tích, nhờ việc giữ nguyên nhóm nợ, áp lực trả nợ của các nhà đầu tư và đầu cơ đã giảm đáng kể. Điều này giúp họ không bị buộc phải bán tài sản bất động sản để trả nợ, thay vào đó, họ có thể giữ lại tài sản, chờ đợi giá tăng.
"Khi thời hạn kết thúc vào ngày 31/12/2024, việc tiếp tục gia hạn tái cơ cấu khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ hay không vẫn còn là một ẩn số. Việc cơ cấu này không chỉ ảnh hưởng tích cực đến bất động sản mà còn nhiều ngành nghề khác", ông Hồi nói.
Ông tiếp tục phân tích rằng, nếu Thông tư 06/2024/TT-NHNN giữ nguyên hiệu lực, áp lực bán bất động sản để xử lý nợ có thể ảnh hưởng mạnh đến giá trị bất động sản. Nguồn cung tăng từ các tổ chức và cá nhân buộc phải bán tài sản sẽ gây áp lực giảm giá bất động sản.
Ngoài ra, ông cũng nhắc đến Khoản 3, Điều 200 của Luật các Tổ chức tín dụng 2024, điều khoản này đã được đẩy sớm hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cùng với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Điều này có thể tác động mạnh đến thị trường.
Khoản 3 cho phép các tổ chức tín dụng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản để xử lý nợ mà không cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể chuyển nhượng dự án. Điều này tạo ra sự tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản đảm bảo, giúp họ có thể chủ động hơn trong việc thu hồi nợ thông qua việc chuyển nhượng dự án.
"Khi xử lý tài sản để thu hồi nợ, cách thức sẽ khác so với kinh doanh bất động sản thông thường. Điều này tạo áp lực lớn lên các chủ đầu tư trong việc bán hàng, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cung cấp bất động sản với giá hợp lý cho thị trường", ông Hồi nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận