Chuyên gia Phan Dũng Khánh: “Hai tháng nay tôi không mua bán gì, đôi khi ngồi ngoài chờ đợi là hạnh phúc”
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho hay không chỉ mất Tết năm nay mà mất Tết của nhiều năm sau nữa. Nên đôi khi nằm ngoài thị trường, đôi khi chờ đợi lại là hạnh phúc...
Thanh khoản lao dốc mạnh trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt và vĩ mô ngày càng tích cực hơn, không có diễn biến gì quá xấu nhưng dòng tiền nhất định vẫn không chịu vào. VnEconomy đã có trao đổi nhanh với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank để giúp nhà đầu tư có góc nhìn sâu và rõ hơn về thị trường.
VN-INDEX CHỈNH MẠNH CHỦ YẾU DO YẾU TỐ BÊN NGOÀI
Ông bình luận gì về diễn biến thị trường trong giai đoạn vừa qua?
Thị trường giảm và xu hướng này hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Có nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố nước ngoài là chủ yếu. Thứ nhất, chứng khoán Mỹ giảm 2 tháng nay ảnh hưởng tới chứng khoán toàn cầu trong đó chứng khoán Việt Nam cũng có xu hướng giảm tương tự. Chỉ số S&P500 đánh mất toàn bộ thành quả của 8 tháng đầu năm, Vn-Index chưa mất sạch nhưng cũng chỉ tăng được 3% so với hồi đầu năm.
Thứ hai, đồng đô la Mỹ tăng giá trở lại. Chỉ số DXY từ mức 99 tiến sát 108 điểm ảnh hưởng lớn đến các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Những yếu tố này liên quan nhau và khiến dòng tiền toàn cầu đổ vào kênh đầu tư trú ẩn như vàng thay vì cổ phiếu.
Số lượng tiền và tài sản chảy vào những quỹ đầu tư tiền tệ lên mức cao nhất trong lịch sử, tính đến cuối tháng 9 lên tới 5.600 tỷ USD. Những quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ có tỷ trọng tài sản lớn nhất trong lịch sử cho thấy nhà đầu tư tập trung chuyển tiền sang những kênh đầu tư có độ an toàn cao hơn trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đi lên và Trái phiếu Chính Phủ Mỹ lên cao nhất 16 năm. Tâm lý nhà đầu tư toàn cầu muốn quay về kênh đầu tư an toàn từ đó ảnh hưởng kênh đầu tư rủi ro cao hơn như chứng khoán, cổ phiếu.
Ngược lại, ở trong nước xuất hiện nhiều yếu tố tích cực như: Lãi suất hạ nhiệt sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành, quan hệ Việt Nam với nhiều quốc gia tốt đẹp hơn, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện...
Tuy nhiên, thị trường không tăng như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư có cảm giác bị "úp sọt" vì không ngờ thị trường sở hữu toàn tin hỗ trợ đến từ trong nước nhưng lại rớt mạnh. Trong khi đó, vấn đề tỷ giá không phải là vấn đề lớn vì tỷ giá tăng rất ít.
Như vậy, mức độ điều chỉnh của thị trường trong tháng vừa qua chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài.
Margin được nhắc đến nhiều nhưng có phải là gánh nặng cản trở thị trường trong giai đoạn này không?
Khi giá giảm đến mức nào đó việc giải chấp sẽ tăng lên điều này gần như chắc chắn nhưng mức giải chấp đỡ hơn. Tức là vẫn có giải chấp nhưng mức độ tăng không nhiều như giai đoạn trước đó - giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Nguyên nhân cách đây 2-3 tháng các công ty chứng khoán, đặc biệt một số công ty chứng khoán lớn thông báo cắt bớt margin ở nhiều mã vì tính hết 8 tháng mức định giá thị trường không còn rẻ, lượng cổ phiếu tăng bằng lần rất nhiều, trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không thể tính bằng lần được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khó khăn thua lỗ nên khiến định giá thị trường, định giá nhiều cổ phiếu ở mức cao.
VN-INDEX VẪN CÓ THỂ GIẢM NHƯNG MỨC ĐỘ GIẢM YẾU DẦN
Trong suốt 10 tháng qua, thị trường luôn kỳ vọng lãi suất thấp dòng tiền sẽ chảy mạnh vào chứng khoán. Nhưng thực tế thì ngược lại, tiền không chịu vào, thưa ông?
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước dù lãi suất hạ liên tục nhưng tỷ lệ tiền gửi cũng tăng liên tục. Thị trường kỳ vọng tiền từ kênh tiết kiệm đổ sang chứng khoán nhưng thực tế tiền vào không nhiều nên không đỡ được thị trường. Thị trường bất động sản vẫn đang bị đóng băng, vàng thì nhà đầu tư không mặn mà lắm, kinh doanh cũng còn nhiều khó khăn, chỉ số PMI vẫn dưới 50 điểm nên thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng theo.
Nhiều người cũng hỏi tôi giá giảm tiền đi đâu? Tiền ngoài nằm trong Ngân hàng, nằm ở các công ty chứng khoán thì một lượng lớn vẫn đang bị kẹp chưa bán được. Chính vì vậy, giá cần phải giảm xuống mức nào đó để kích thích lòng tham quay lại thì dòng tiền mới quay lại được.
Tỷ trọng tiền hiện nay để tại công ty chứng khoán lớn cũng cho thấy tiền chốt vẫn đang để chờ cơ hội để mua vào.
Tức là chưa thể "mò đáy" giai đoạn này?
Khả năng Vn-Index sẽ còn giảm thêm nữa nhưng mức độ giảm sẽ yếu dần và đi vào giai đoạn tích lũy. Nhiều nhà đầu tư cho rằng bị "đánh úp" liên tục trong thời gian gần đây khi buổi sáng thị trường hồi nhưng cứ đến 14g chiều là xả và rớt mạnh phiên ATC. Nhưng 2-3 tháng trước thị trường lại thường được kéo vào phiên ATC mà không ai "chửi" vì lúc đó tất cả đều có lãi vui vẻ. Chúng ta phải nhìn vào hai mặt của vấn đề.
Nguyên nhân thì có thể dự đoán, thứ nhất do buổi sáng mức hồi quá yếu không đủ mạnh đã kích hoạt tâm lý lo sợ của nhà đầu tư bán vào phiên chiều. Nhà đầu tư cũng sợ không biết ATC sẽ khớp giá nào nên cứ đến sau 14g là xả hàng ồ ạt từ đó ảnh hưởng đến thị trường. Thứ hai, thị trường thủng nhiều mốc hỗ trợ, buổi sáng thanh khoản thấp nhưng chiều thanh khoản cao, các công ty chứng khoán cũng tiến hành giải chấp vào phiên chiều cũng là một trong những lý do khiến thị trường thường bay mạnh.
Vốn ngoại tiếp tục bán mạnh 4.000 tỷ trong tháng 10, ông dự báo gì về dòng tiền nhóm này trong thời gian tới?
Nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều giai đoạn qua cũng cho thấy đây là động thái chốt lời của khối ngoại, tổ chức trong nước cũng bán và tự doanh cũng chủ yếu là bán. Chỉ có mỗi nhà đầu tư cá nhân là mua vào. 8-9 tháng thị trường tăng thần tốc, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần, lợi nhuận như vậy là cơ hội đẹp để họ chốt.
Thật ra tiền bán của khối ngoại cũng chưa đi đâu hết, họ cũng không rời bỏ mà chỉ chờ thị trường đến mức hấp dẫn để mua vào, vấn đề là thời gian nhanh hay chậm. Nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt xu hướng trung và dài hạn tầm nhìn của họ khác, giá trị bán ròng nhưng có thể họ bán mã này để mua mã khác. Mà mã khác đang chờ đợi hoặc giải ngân một phần.
Tôi nghĩ chuyện của khối ngoại chỉ là ngắn hạn, dài hạn thì xu hướng mua ngày càng nhiều hơn, tỷ trọng của nhóm này này càng cao hơn. Đa số cũng có niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng. Người thua lỗ cũng không rời đi mà ngồi chờ mua thêm thì nhà đầu tư nước ngoài họ cũng chờ để mua lại chứ không hoàn toàn bỏ đi.
GIAO DỊCH THẾ NÀO CUỐI NĂM?
Cá nhân ông đã giao dịch thế nào trong tháng 10 vừa qua?
Hai tháng gần đây tôi không có cổ phiếu để giao dịch. Nhưng nhiều chuyên gia bây giờ cũng oải lắm vì đang bị thị trường "hành".
Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư để đi qua giai đoạn này?
Nhiều nhà đầu tư thua lỗ năm 2022 nhưng đã gỡ gạc lấy được lại toàn bộ vốn trong những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, sau 2 tháng qua lại gần như mất toàn bộ, mất hết.
Có những người thị trường đáy thì mua 10 triệu nhưng ở vùng đỉnh rồi thì mua lên tới 10 tỷ, mà có đến 9,5 tỷ là đi vay nên chỉ cần giảm một chút thôi là đã tiêu rồi vì vốn vay lớn, kiểm soát rủi ro không tốt. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho hay không chỉ mất Tết năm nay mà mất Tết của nhiều năm sau nữa.
Nên đôi khi nằm ngoài thị trường, đôi khi chờ đợi lại là hạnh phúc.
Cũng không có công thức nào làm giàu cho 1 tỷ người. Với những người full margin, full hàng không cựa quậy được thì chờ thị trường hồi lên là cơ hội để bán bớt ra thu lại vốn. Không vay mượn thêm bên ngoài vì tình huống tệ rồi nên phải chờ đợi cuối năm nay hoặc sang đầu năm sau giảm thua lỗ bằng cách bán ra giảm cổ phiếu, giữ lại tài sản.
Với những người có tỷ trọng tiền cao đầu tư trung và dài hạn thì đây là cơ hội để giải ngân dần dần. Còn những người chỉ muốn lướt sóng thì cần phải xem mình có đủ kinh nghiệm hay không, không được dùng đòn bẩy, chỉ nên ưu tiên lướt sóng cổ phiếu có trong danh mục không nên mua mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận