Chuyên gia nói gì về bệnh X ở Congo và vụ thất lạc ống nghiệm ở Australia?
“Bệnh X” ở Congo khả năng cao là “bệnh cũ”, có thể kiểm soát. Trong khi đó, virus trong ống nghiệm thất lạc ở Australia gần như không thể trở thành mối đe dọa cho sức khỏe loài người.
Tuần vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát cảnh báo về một căn bệnh bí ẩn tại Congo. Bệnh gây triệu chứng sốt cao và chảy máu, khiến hàng trăm người tử vong tại quốc gia này, trong đó có nhiều trẻ em.
Cùng tuần này, tại Australia, chính quyền bang Queensland cũng ra thông báo Phòng thí nghiệm virus của địa phương thất lạc 323 ống nghiệm chứa 3 loại virus truyền nhiễm nguy hiểm. Các mẫu này không còn được kiểm soát sau khi một tủ đông lưu trữ gặp sự cố vào năm 2021, nhưng vấn đề chỉ được phát hiện vào năm 2023.
Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho hay người dân Việt Nam đều không cần lo lắng về cả 2 sự việc này.
“Bệnh X” ở Congo 90% là sốt rét
Ngày 11/12, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO, cho hay đơn vị này đã lấy mẫu xét nghiệm của 12 người mắc bệnh bí ẩn tại Congo. Kết quả cho thấy 10 mẫu trong số đó dương tính với sốt rét.
Mặc dù vậy, WHO không loại trừ khả năng có nhiều hơn một loại bệnh liên quan đến đợt bùng phát này.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, từ thông báo của WHO, có thể khẳng định 90% “bệnh X” là sốt rét. Người dân không nên quá lo lắng rằng căn bệnh này có thể bùng phát tại Việt Nam.
“Ở bối cảnh hiện tại, bệnh hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng đến người Việt, người dân vì thế cũng không nên hoang mang”, PGS Dũng khẳng định.
Hiện nay, bệnh lây lan ở các tỉnh biên giới của Congo. Đây là các vùng hẻo lánh, có môi trường sống nghèo nàn, trình độ y tế kém phát triển. Do đó, công tác xét nghiệm để phát hiện bệnh được tiến hành chậm trễ, gây hoang mang.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, sốt rét đã có thuốc chữa, rất dễ phòng ngừa và kiểm soát. Nếu Việt Nam có ca bệnh, người dân cũng không cần lo lắng vì nước ta đã khống chế rất tốt bệnh này. Khả năng lây lan thành dịch vì thế rất thấp.
Vụ thất lạc ống nghiệm ở Australia không quá nguy hiểm
Trong tuần qua, thế giới cũng hoang mang trước thông tin hơn 300 ống nghiệm chứa virus nguy hiểm tại Australia bị thất lạc. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguy cơ lây lan bệnh dịch từ sự cố này là rất thấp.
Thứ nhất, các loại virus thất lạc có thể gây bệnh nguy hiểm cho người nếu được truyền trực tiếp từ vật chủ mắc bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, virus không tồn tại trong vật chủ mà được bảo quản trong ống nghiệm, rất khó lây lan sang con người.
Thứ hai, virus rất khó tồn tại hay lây lan trong điều kiện ngoài phòng thí nghiệm hoặc cơ thể vật chủ. Trong khi đó, các ống nghiệm đã thất lạc trong thời gian dài, virus vì thế gần như không còn khả năng gây nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Thứ ba, virus trong các ống nghiệm là virus tự nhiên, đã tồn tại rất lâu ở các loài động vật hoang dã tại Australia. Từ trước đến nay, ngành y tế nước này cũng chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào liên quan đến sự cố. Do đó, ở thời điểm hiện tại, khả năng bùng dịch do các virus này là rất thấp.
Do đó, PGS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh người Việt không cần lo ngại trước sự cố này. Các loại virus trong ống nghiệm thất lạc gần như không thể trở thành mối đe dọa cho sức khỏe loài người như nhiều người vẫn lo lắng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường