Chuyên gia: 'Nếu giảm lãi suất xuống 1 điểm % đồng nghĩa khoản hỗ trợ trực tiếp cho DN, người dân lên đến 113.000 tỷ đồng'
Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện, TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cần giảm thêm lãi suất, giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí vốn, có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn, trong khi đó ngân hàng giảm rủi ro nợ xấu.
Ông Tú Anh tính toán, tổng dư nợ tín dụng bình quân năm 2022 khoảng 11,3 triệu tỷ đồng, lãi suất trung bình năm 2022 khoảng 10%, khi đó chi phí cho lãi suất 1 năm khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 12% GDP .
"Nếu giảm lãi suất xuống 1 điểm % đồng nghĩa khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân lên đến 113.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với các chính sách đang thực hiện. Đó là con số tính toán theo dư nợ tín dụng của năm 2022. Cho năm 2023, khoản đó còn lớn hơn", ông Tú Anh nói.
Ông Tú Anh cũng cho biết, Việt Nam không có áp lực lạm phát cao như các nước Mỹ hay châu Âu. 3 tháng đầu năm tổng cung tiền tăng 0,8% nên không cần lo lắng về lạm phát lõi. Trong khi đó, giá năng lượng, giá than, giá xăng dầu, giá hàng nông sản thế giới đều đang xu hướng giảm.
Một điều kiện nữa để giảm được lãi suất là phải tạo được thanh khoản cho nền kinh tế đủ lớn. Ông cho biết tín hiệu tích cực là 4 tháng đầu năm, NHNN bắt đầu mua ngoại tệ đưa vào hệ thống nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Việc này cải thiện vấn đề cung tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống. Lãi suất thị trường liên hàng liên tục giảm những ngày gần đây, cho thấy thanh khoản được cải thiện tốt. Khi thanh khoản tốt hơn, hoàn toàn có thể giảm lãi suất.
Ngoài ra, nếu thúc đẩy được đầu tư công, tiền ra nền kinh tế, cũng tăng được tiền nhàn rỗi cho hệ thống, chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng giảm. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảm lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận