Chuyên gia: Đồng tiền Việt Nam có thể mất giá 3,5% do USD tăng giá
Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD có thể mất giá 3,5% từ nay đến cuối năm, trong khi đó, về nợ quốc gia tăng thêm do đồng USD tăng giá.
USD biến động, kinh tế Việt Nam gặp thách thức gì?
Trả lời PV Dân Việt, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng BIDV cho biết, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD hiện mất khoảng 2,5%, cả năm chúng tôi dự báo mất giá khoảng 3% - 3,5%, rõ ràng đồng tiền Việt Nam khá ổn định so với nhiều loại đồng tiền khác.
"Chúng ta cũng không nên nghĩ đồng tiền mất giá nhiều sẽ có lợi cho xuất khẩu, không hẳn vậy bởi nó tuỳ thuộc vào cấu trúc của mỗi nền kinh tế khác nhau, Việt Nam có mối quan hệ giữa xuất và nhập khẩu tương đối yếu", ông Lực nhấn mạnh.
Theo TS. Lực, việc đồng USD tăng giảm giá mạnh thời gian gần đây, bất ổn định có thể ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam bởi hiện thanh toán thương mại bằng đồng USD chiếm 80%.
Trong khi đó: "Cán cân thương mại xuất khẩu của Việt Nam 70% phụ thuộc về khối FDI, nhưng FDI xuất nhiều lại nhập nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào. Tỷ giá đồng USD có tăng hay giảm thì họ vẫn phải tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Rõ ràng tác động này mang tính liên đới, lâu dài".
Theo TS. Lực, đa số doanh nghiệp nhập khẩu hiện nay phải mua bán USD nên đồng USD biến động thất thường không có quá nhiều lợi thế cho họ".
Theo PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đồng USD lên giá, ảnh hưởng lớn đến các đối tác làm ăn với Mỹ, về lý thuyết hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, còn hàng nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, thương mại Việt Nam vào Mỹ hiện hưởng lợi bởi Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ trên 49 tỷ USD trong 6 tháng qua, rõ ràng đây là lợi thế của đồng tiền Việt Nam.
Quan hệ Việt Mỹ có khác một chút, tỷ giá USD với Việt Nam đồng dường như giữ nguyên, 4 tháng đầu năm đồng VND còn tăng giá, chỉ 2 tháng qua thì mới điều chỉnh nhẹ, theo tôi chỉ thay đổi chỉ khoảng 1-2%.
Trong mối quan hệ ba bên USD, Việt Nam đồng và 1 số đồng tiền khác, đồng Việt Nam được coi là ổn định, giữ giá so với cả USD, so với Yen Nhật…
Theo ông Thịnh, việc vay trả nợ của Việt Nam hiện nay xét trong bối cảnh đồng USD tăng giá cần có nghiên cứu kỹ. "Trong 8 năm trở lại đây, cơ cấu nợ của Việt Nam, vay nợ bằng đồng USD không quá lớn, chủ yếu là vay bằng các đồng tiền khác như Yen (Nhật) thông qua cơ chế của ADB; còn vay USD chủ yếu qua WB, IMF nhưng tỷ trọng không lớn.
"Chúng ta chỉ vay nợ Chính phủ khoảng 3,7 tỷ USD, trong tổng số khoảng 112-118 tỷ USD (quy đổi ra USD) vay nợ của Việt Nam. Do đó, nguy cơ tăng nợ của Việt Nam do tăng giá đồng USD tăng là không nhiều", ông Thịnh nói.
Hiện một số đồng tiền mạnh của các nền kinh tế lớn như Yen (Nhật), Won (Hàn Quốc) hay Nhân dân tệ (Trung Quốc) mất giá mạnh so với USD, đây là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam, điều này không có lợi cho xuất khẩu của hàng Việt.
PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính.
Ông Thịnh cho rằng: "Khi các đồng tiền mạnh mất giá so với USD, cũng là lợi thế cho doanh nghiệp nhập khẩu, cho kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp nên tranh thủ nhập khẩu hàng hoá, linh phụ kiện, máy móc hoặc đàm phán giá tại thời điểm hiện nay để có lợi cho mình".
Thực tế, theo báo cáo về nợ của Chính phủ giai đoạn 2010-2021 của Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), dư nợ Chính phủ theo loại tiền, đồng USD chỉ chiếm khoảng 14%, giai đoạn 2010 đến 2017, vay tiền USD chiếm khoảng 17-18% tỷ trọng tiền vay nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay vay nợ Chính phủ bằng đồng USD đã giảm xuống từ 16% năm 2019 xuống còn 13,9%. Hiện nay, đồng tiền vay nợ nhiều nhất của Chính phủ là Việt Nam đồng với trên 66% (năm 2021).
Các đối tác cho vay nợ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản với 29,3%, Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 29,6% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là hơn 17,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận