Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm đối với kinh tế toàn cầu từ Trung Đông
Vị chuyên gia nhận định nếu Israel trả đũa Iran lần này, họ sẽ không hành động ở mức độ như hồi tháng 4, mà sẽ “mạnh mẽ hơn nhiều”...
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một “giai đoạn nguy hiểm” chưa từng có trước đây, do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục ở mức cao - Phó chủ tịch Daniel Yergin của công ty nghiên cứu và dự báo kinh tế S&P Global nhận định.
Kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7/10 năm ngoái, thị trường dầu lửa toàn cầu về cơ bản không xảy ra gián đoạn lớn nào, và giá dầu vẫn chịu áp lực giảm do sản lượng dầu của Mỹ tăng và nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc suy yếu.
Tuy nhiên, tâm lý của thị đang bắt đầu thay đổi. Tuần trước, giá dầu tăng vọt do lo ngại rằng Israel có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào hạ tầng dầu lửa của Iran để trả đũa cuộc tấn công tên lửa đạn đạo trước đó của Tehran. Những diễn biến này khiến nhà phân tích trong ngành lo ngại về một mối đe dọa thực sự đối với nguồn cung dầu.
Tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới: “Israel chưa xác định được sẽ làm gì trong một cuộc tấn công trả đũa Israel. Việc đó còn đang được thảo luận”.
Tuần trước, giá dầu tăng khoảng 8% do mối lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông. Hôm thứ Hai tuần này, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London lần đầu tiên vượt 80 USD/thùng kể từ tháng 8.
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Yergin nhận định nếu Israel trả đũa Iran lần này, họ sẽ không hành động ở mức độ như hồi tháng 4, mà sẽ “mạnh mẽ hơn nhiều”.
Tháng 4 năm nay, Iran và Israel tấn công lẫn nhau, nhưng cuối cùng hai bên vẫn tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện. Iran đã phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa cuộc tấn công của Israel trước đó vào một cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria.
Khi được hỏi liệu nền kinh tế toàn cầu có đang đứng trước một cú sốc nguồn cung dầu do căng thẳng ở Trung Đông hay không, ông Yergin nhận định đây là thời điểm bấp bênh đối với thị trường. “Tôi nghĩ đây là một thời điểm rất nguy hiểm mà chúng ta chưa từng trải qua trước đây”, ông nói.
Ngoài ra, ông Yergin cho rằng liệu Iran có đang sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đưa vào sử dụng hay không là điều không ai dám chắc, nhưng giả thuyết đó “chắc chắn nằm trong bối cảnh” hiện tại, đặc biệt là qua lăng kính của Israel.
“Đặt cược bây giờ là Israel sẽ không tấn công hay thử tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhưng sau vài tháng hay vài tuần nữa, biết đâu Iran lại sở hữu một vũ khí hạt nhân có thể đưa vào sử dụng. Và rủi ro sẽ tăng lên”, ông Yergin nói.
Nói cách khác, Israel lo ngại nhiều về các cơ sở hạt nhân của Iran hơn là ngành công nghiệp dầu khí của Iran - theo ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ đầu tư Raymond James. Chương trình hạt nhân của Iran đã đạt tới giai đoạn mà chỉ trong khoảng 1 tuần, nước này có thể làm giàu uranium đủ cho 5 vũ khí hạt nhân - theo ước tính của trang web Iran Watch.
“Nhưng kịch bản tồi tệ nhất sẽ là một điều gì đó mà Iran tự làm được, cụ thể là chặn eo biển Hormuz. Việc này không liên quan trực tiếp tới các cuộc tấn công của Israel”, ông Molchanov nhấn mạnh.
Eo Hormuz nằm giữa Oman và Iran, là một đoạn đường huyết mạch của hoạt động vận tải dầu lửa toàn cầu, nơi khoảng 1/5 sản lượng dầu toàn cầu mỗi ngày đi qua - theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Eo biển này giữ vai trò quan trọng chiến lược trong việc kết nối giữa các nhà sản xuất dầu lửa ở Trung Đông với các thị trường tiêu thụ dầu chủ chốt trên thế giới.
Nếu các tàu chở dầu không thể đi qua eo Hormuz, dù chỉ tạm thời, chi phí vận tải biển sẽ tăng mạnh, nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn và giá năng lượng toàn cầu có thể leo thang chóng mặt. Một số chuyên gia nhận định trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận