24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vũ Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia Bùi Trinh: Vì sao giá cả 'ngoài chợ' tăng không giống 'trên tivi'?

Đến nay, cơ quan thống kê Việt Nam chỉ công bố GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp  chi tiêu cuối cùng, chưa công bố GDP theo phương pháp thu nhập.

* Là người am hiểu hàng đầu về thống kê tại Việt Nam, chuyên gia Bùi Trinh chia sẻ bài viết lý giải phần nào sự chênh lệch giữa cảm nhận thực tế của xã hội với những số liệu được công bố.

Mỗi khi nền kinh tế trải qua các giai đoạn biến động: sản xuất kinh doanh khó khăn, giá cả tăng cao... thì câu chuyện chênh lệch giữa cảm nhận thực tế của người dân doanh nghiệp với số liệu vĩ mô do cơ quan thống kê công bố (hoặc giữa chính các số liệu này với nhau) lại được đặt ra.

Chẳng hạn gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP - Index of Industrial Production) và tốc độ tăng trưởng GDP (cả nước) hoặc GRDP (địa phương) ngược chiều nhau, có nghĩa đôi khi IIP thấp hơn tăng trưởng GDP (GRDP) hoặc ngược lại. Điều này có thể lý giải là ngay IIP cũng không hoàn toàn đồng nhất với giá trị sản xuất của một ngành nào đó, IIP là tốc độ tăng sản phẩm trong khi giá trị sản xuất (GO – gross output) còn bao gồm doanh thu của sản phẩm cộng chênh lệch sản phẩm dở dang và sản phẩm tồn kho và một số dịch vụ công nghiệp. Như vậy trong trường hợp này nếu doanh nghiệp nhiều sản phẩm tồn kho và sản phẩm dở dang sẽ dẫn tới tăng trưởng về giá trị sản xuất cao hơn IIP.

Ngoài ra, sự thay đổi giá đầu vào chậm hơn sự thay đổi giá đầu ra cũng có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng của giá trị tăng thêm cao hơn tăng trưởng về giá trị sản xuất (đã loại bỏ yếu tố giá).

GDP là một chỉ số phản ánh về tổng cầu cuối cùng do J. M. Keynes đưa ra từ thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Chỉ số này mang tính ngắn hạn và nhất thời. Keynes cho rằng khi phía cầu tăng lên sẽ kích thích phía cung. Tuy nhiên nếu phía cung yếu kém thì sự gia tăng từ phía cầu chỉ lan tỏa đến nhập khẩu và giá cả mà thôi. GDP theo thống kê LHQ được tính theo 3 phương pháp. Phương pháp sản xuất, phương pháp thu nhập và phương pháp chi tiêu. Tuy nhiên, đến nay cơ quan Thống kê Việt Nam chỉ công bố GDP theo phương pháp sản xuất và chi tiêu cuối cùng (sử dụng GDP). Chênh lệch số liệu giữa hai phương pháp này được đưa vào sai số thống kê.

Cũng cần lưu ý rằng nếu sử dụng bảng nguồn và sử dụng hoặc bảng cân đối liên ngành như hướng dẫn trong Hệ thống các tài khoản quốc gia để tính toán GDP thường không có dòng sai số này. Nếu có dòng sai số thì sẽ thấy tăng trưởng GDP bằng phương pháp sử dụng và phương pháp chi tiêu cuối cùng là khác nhau như bảng dưới. Theo số liệu từ website của Tổng cục Thống kê, GDP từ phương pháp sản xuất và phương pháp chi tiêu cuối cùng hầu như khác nhau, đặc biệt năm 2012, 2015, 2019 và 2020.

Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng GDP theo 2 phương pháp là do cách để sai số. Chẳng hạn năm 2012 tốc độ tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất (mà báo chí và người dân biết đến) là 5,25% nhưng tăng trưởng GDP theo phương pháp chi tiêu cuối cùng là 9,1%; năm 2015 tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất là 6,68% nhưng tăng trưởng GDP theo chi tiêu cuối cùng chỉ là 3,96%... đến năm 2020 tăng trưởng GDP theo phương pháp sản xuất là 2,91% và GDP theo phương pháp chi tiêu tăng trưởng 3,94%.

Về vấn đề này, người viết bài mạo muội kiến nghị Tổng cục Thống kê tính hoặc ước tính GDP từ cập nhật bảng nguồn - sử dụng hoặc bảng cân đối liên ngành để tăng sự logic của số liệu.

tang-truong-theo-phuong-phap-n-4791-3925 data-natural-width500
Ở Việt Nam, người ta thường chỉ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng GDP. CPI bao gồm so với tháng trước, so với tháng 12, so với cùng kỳ và so với bình quân của năm trước. Tương ứng với CPI bình quân là “chỉ số giảm phát GDP – GDP deflector” chỉ sự thay đổi giá của năm hiện hành so với năm gốc. GDP deflector của năm hiện hành so với năm trước và CPI bình quân thường không xa rời nhau nhiều; khi có sự thay đổi bất thường Tổng cục Thống kê phải chăng cũng cần giải thích điều này?

Chẳng hạn chênh lệch xuất khẩu hàng hóa theo giá hiện hành của 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy Việt Nam có thặng dư thương mại (khoảng 175.200 tỷ đồng), nhưng khi chuyển sang giá so sánh thì Việt Nam lại nhập siêu (khoảng 1.300 tỷ đồng ). Điều này có nghĩa sản lượng tăng không nhiều bằng giá.

Về CPI, gần đây người tiêu dùng nhận thấy giá cả thực tế mà họ phải chịu dường như lớn hơn CPI mà cơ quan Thống kê công bố. Người ta hay nói nôm na là "giá ngoài chợ không giống giá trên tivi". Điều này có thể do “rổ hàng hóa” được chọn không thực sự đại diện và cách tiếp cận thông tin chỉ đến từ người bán thay vì người mua. Sau nhiều năm, điều này dường như vẫn không có sự thay đổi?

Một điều băn khoăn nữa nữa là việc khảo sát giá cả không có sự phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Như vậy tuy có thể làm đúng nhưng cỡ mẫu không đại diện sẽ dẫn đến phản ánh không đúng thực tế.

Trong nhiều năm qua, để ước tính tiêu dùng cuối cùng của dân cư trong GDP theo quý, sáu tháng và cả năm, Tổng cục Thống kê thường dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Ước tính này không thể dựa vào điều tra mức sống hộ gia đình, vì điều tra mức sống tiến hành 2 năm một lần. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ không hoàn toàn trùng khớp với tiêu dùng cuối cùng của dân cư.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ còn bị lẫn với bán cho sản xuất và lại thiếu những khoản như sản phẩm tự sản tự tiêu trong nông, lâm, thủy sản, phân bổ lãi vay ngân hàng, tiền điện, nước và một khoản rất lớn là nhà tự có tự ở… So sánh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ với tiêu dùng cuối cùng của dân cư từ năm 2010 đến 2021, có thể thấy tiêu dùng cuối cùng của dân cư luôn nhỏ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Đặc biệt, từ năm 2010 đến năm 2020, chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ từ 10,29% đến 15,9%.

Năm 2021 chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn còn nhưng tỷ lệ chênh lệch đột ngột hạ xuống chỉ còn 1,11%. Chính vì thế, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 4,8 triệu tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%) trong khi tiêu dùng cuối cùng của dân cư lại tăng khá cao.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2021 và năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 2,09% so với năm 2020; (trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%), tích lũy gộp tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Điều gì khiến tiêu dùng cuối cùng của dân cư đột ngột tăng mạnh trong khi thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng do dịch Covid-19 và cách chống dịch? Nếu chênh lệch diễn ra như 10 năm qua thì GDP theo giá thực tế có thể giảm từ 487.000 tỷ đồng (năm có mức chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thấp nhất) đến 616.000 tỷ đồng (sử dụng mức chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân), tức là GDP có thể giảm khoảng từ 0,68% đến 2,3% theo giá thực tế.

Cũng theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2021 và năm 2021 của Tổng cục Thống kê, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao chưa từng thấy với mức tăng 42,75%. Điều này một phần là do phong trào xét nghiệm Covid-19 đại trà với giá mỗi lần xét nghiệm cao ngất. Giá kit test của công ty Việt Á khoảng 470.000 đồng đã bị cho là thổi giá nhưng người dân phải chi trả còn cao hơn nhiều (thường là 720.000 đồng). Và đã có những trường hợp cưỡng chế việc xét nghiệm, có nơi bắt trả phí. Điều này phải chăng phần nào đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2021 để đạt 2,58%?

GDP nhìn từ phía cầu bao gồm tiêu dùng cuối cùng của dân cư, chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy gộp tài sản và xuất khẩu thuần, nói chung khi các yếu tố của cầu tăng lên sẽ kích thích sản xuất từ phía cung. Như vậy, có thể thấy những công ty như Việt Á và CDC các tỉnh đã góp phần vào tăng trưởng GDP rất tích cực, giống y hệt như chuyện đến hẹn lại lên, cứ gần Tết là người ta lại đào và lấp đường, đào đường làm GDP tăng lên, lấp đi cũng làm GDP tăng lên nhưng con đường vẫn thế, thậm chí không bằng cũ. Tất cả các khoản này đều tính vào đầu tư công.

Phải chăng tham nhũng, lãng phí, đầu tư không hiệu quả đều "góp phần" làm tăng GDP? Tăng GDP kiểu này có thể gây ra những hậu quả trong kinh tế như rủi ro lạm phát nếu đầu tư không hiệu quả, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách… và những vấn đề ngoài ngân sách như rủi ro về đạo đức.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả