Chuỗi Thế Giới Di Động đã tụt lại phía sau
Năm 2020 một là một năm tương đối khó khăn đối với ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động khi tình hình kinh doanh giảm sút khi đi qua nửa đầu năm. Trong đó đà tuột dốc của chuỗi cửa hàng Thegioididong ngày một rõ đã khiến doanh nghiệp này dùng các chuỗi khác linh hoạt hơn để tìm kiếm tăng trưởng.
Công ty cổ phần Thế giới Di động (TGDĐ) vừa công bố kết quả doanh thu thuần tháng 7 đạt 8.669 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh số của tập đoàn bán lẻ này giảm 7%. Theo ban lãnh đạo công ty, kết quả trên phản ánh tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện thoại, điện máy khi thu nhập khả dụng của người dân bị ảnh hưởng. Việc giảm doanh thu là điều hiếm thấy trước đây với doanh nghiệp này.
Chuỗi Thegioididong đuối sức
Chuỗi cửa hàng Thegioididong từng được xem là “DNA” của TGDĐ tạo nên một chu kỳ tăng trưởng thần đưa doanh nghiệp này vươn lên trở thành một đế chế bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường di dộng bão hòa thì chuỗi này đang trở nên đuối sức, thu hẹp quy mô và không còn là trọng tâm trong chiến lược tương lai của TGDĐ.
Không chỉ giảm về quy mô, mà tỷ lệ đóng góp của chuỗi này cho toàn hệ thống cũng đã giảm xuống đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ đóng góp doanh thu của chuỗi Thegioididong cho toàn hệ thống cũng giảm từ 40% năm 2018 xuống còn 32,5% năm 2019.
Đến năm nay, khi Covid-19 tác động khủng khiếp lên các doanh nghiệp bán lẻ, thì sự hụt hơi của chuỗi Thegioididong càng bộc lộ rõ. Lũy kế 7 tháng năm 2020, doanh thu chuỗi Thegioididong giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 26,5% trong tổng doanh thu của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động.
Ban lãnh đạo Thế giới di động đánh giá, theo chu kỳ kinh doanh, quý 3 là mùa thấp điểm nhất đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Bên cạnh đó, Việt Nam ghi nhận thêm các ca nhiễm Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của người dân. Đây là lý do khiến chuỗi này đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Mức độ bão hòa của thị trường di dộng cũng đã bắt đầu thể hiện trong vài năm gần đây. Năm ngoái, TGDĐ cũng đã nỗ lực xoay chuyển linh hoạt hình thức kinh doanh của chuỗi Thegioididong bằng việc bổ sung thêm mặt hàng đồng hồ với mô hình “shop in shop”. Doanh thu bán đồng hồ sau một năm triển khai trên cả Thegioididong và Điện Máy Xanh khoảng gần 1.000 tỉ đồng nhưng vẫn không đóng góp nhiều cho việc cải thiện kinh doanh của chuỗi di động.
Ngoài ra, chuỗi Điện thoại siêu rẻ cũng được triển khai để hỗ trợ cho hệ sinh thái này cũng phải đóng cửa sau một năm ra mắt. Diễn biến hiện nay cho thấy, mảng kinh doanh tạo nên nền tảng cho ông lớn bán lẻ này đang ngày một tụt lại phía sau so với các chuỗi mới. Kế hoạch và không gian tăng trưởng trong thời gian tới cũng được tập trung phần lớn vào Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh…
Các chuỗi mới ‘biến hóa” tìm cơ hội
Trong báo cáo về tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm của TGDĐ, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá hậu quả của dịch Covid-19 tới sức mua của thị trường có thể kéo dài trong một vài năm tới. Doanh nghiệp dự kiến thử nghiệm các mô hình mới để gia tăng nhanh thị phần. “Không ai làm gì cả là cơ hội để bạn làm được nhiều hơn”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh chia sẻ.
Nguồn: Báo cáo tài chính TGDĐ (*) Cơ cấu doanh thu chưa bao gồm doanh thu của Bigphone
Chuỗi bán lẻ này đang triển khai mô hình cửa hàng điện máy super-mini tại tỉnh Tiền Giang với mặt sàn 120-150 m2, bằng một nửa diện tích cửa hàng mini thông thường, với chỉ bốn nhân viên. Những cửa hàng này hướng tới thị trường nông thôn, ở các tuyến xã nơi chưa có sự hiện diện của các siêu thị điện máy.
Tập đoàn cho biết doanh số sau hai tháng thử nghiệm của các cửa hàng điện máy super-mini ở nông thôn khoảng 1 tỉ đồng/tháng với biên lợi nhuận ròng cao hơn mức chung của hệ thống và đang nỗ lực tiếp tục cải thiện hiệu quả của mô hình mới.
Đây sẽ là trọng tâm mở rộng của Thế giới Di động trong thời gian tới khi hơn 1.000 siêu thị Điện Máy Xanh hiện tại đã bao phủ hầu khắp các thành phố, đô thị lớn còn thị trường điện thoại đã bão hòa. Chuỗi này đặt mục tiêu có 300 cửa hàng điện máy super-mini vào cuối 2020 và tăng lên 1.200 điểm trong hai năm tới. Ước tính đóng góp doanh thu của mô hình mới sẽ đạt 500 tỉ đồng trong năm nay.
Chuỗi Bách hoá xanh được đặt mục tiêu trở thành “đầu kéo” tăng trưởng cho Thế giới di động trong tương lai. Do đó, đơn vị này phải liên tục thay đổi các mô hình thích hợp cũng như tối ưu chi phí liên quan đến chuỗi, giúp tổng doanh thu của Bách hoá xanh trong tháng 7 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước và 12% so với tháng liền kề trước đó.
Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng tăng lên khoảng 1,2 tỉ đồng từ mức 1,1 tỉ đồng trong tháng 6-2020. Trong 1.561 điểm bán tại thời điểm cuối tháng 7-2020, Bách hoá xanh đang được mở rộng đến các tỉnh ngoài TPHCM, với 1.069 cửa hàng, chiếm 68,5% tổng số cửa hàng (so với tỷ lệ 41% cùng kỳ năm trước). Về mô hình, Bách hoá xanh có những cửa hàng đạt mục tiêu doanh số 5 tỉ đồng hàng tháng.
Ngoài ra, Thế giới Di động cũng đang mở rộng chuỗi điện máy tại Campuchia sau khi đổi tên từ Bigphone+ thành Bluetronics. Đến cuối tháng 8, đại gia bán lẻ Việt Nam dự kiến có 11 cửa hàng và kết thúc năm 2020 với 50 cửa hàng điện máy tại Campuchia. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Thế giới Di động sẽ trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử lớn nhất Campuchia. Những chuỗi điện máy lớn ở Campuchia hiện tại như Kfour, Sunsimexco hiện mới có 10 cửa hàng.
Dù quy mô thị trường Campuchia khá khiêm tốn, tương đương khoảng 10% của Việt Nam, ông Hiểu Em đánh giá đây là bước đệm quan trọng để công ty mở rộng sang các thị trường nước ngoài khác trong tương lai như Myanmar, Indonesia, Philippines sau khi hoàn thành mục tiêu chiếm 60% thị phần điện máy trong nước.
Với chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh, Thế giới Di động chủ động mở rộng chậm lại, tập trung vào việc chuyển đổi các cửa hàng hiện tại có doanh số tốt sang mô hình với diện tích lớn 500 m2 để tăng chất lượng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh số bình quân trên mỗi cửa hàng.
Theo thông tin từ TGDĐ, lũy kế 7 tháng năm 2020, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 64.308 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.353 tỉ đồng, giảm 2%. Như vậy, TGDĐ đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận