Chuỗi cung ứng đứt gãy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng ra sao?
Kinh tế toàn cầu đang dần khởi sắc từ những nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng chống Covid-19 song chuỗi cung ứng lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Điều này đe dọa gì cho tăng trưởng?
Sự lây lan nhanh chóng của virus vào năm 2020 đã khiến các ngành công nghiệp trên khắp thế giới phải đóng cửa. Thế giới bắt buộc ở trong tình trạng ngừng hoạt động, nhu cầu của người tiêu dùng giảm và hoạt động công nghiệp ảm đạm dần.
Sau khi các quốc gia thông báo dỡ bỏ các quy định hạn chế, nhu cầu của người dân đã tăng vọt. Trong khi đó, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và cần một thời gian dài mới có thể phục hồi. Điều này cũng dẫn đến sự hỗn loạn cho các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa, họ không thể sản xuất hoặc cung cấp nhiều như trước đại dịch vì nhiều lý do, bao gồm cả tình trạng thiếu công nhân và thiếu các thành phần chính và nguyên liệu thô.
Các khu vực khác nhau trên thế giới cũng đã trải qua các vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng hơn vì những lý do khác nhau. Ví dụ, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng gần đây, trong khi ở Anh, Brexit là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt tài xế xe tải. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên vận tải. Đức cũng đang gặp phải tình trạng tồn đọng lớn tại các cảng.
Ông Tim Uy chuyên gia phân tích kinh tế của Moody's Analytics nói rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng "sẽ ngày trở nên tồi tệ". Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị cản trở bởi sự ảnh hưởng nghiêm trọng của gián đoạn chuỗi cung ứng tới mọi ngành nghề. Nguồn cung có lẽ sẽ sớm trở lại bình thường trong tương lai tuy nhiên tương lai này không phải tương lai gần, đặc biệt là khi mọi mắt xích của chuỗi cung ứng đều có những điểm nghẽn - thiếu hụt lao động, container, vận chuyển, cảng, xe tải, đường sắt, hàng không và nhà kho".
Tắc nghẽn của chuỗi cung ứng - hay cụ thể hơn là tắc nghẽn trong hệ thống sản xuất - đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa khác nhau, từ tình trạng thiếu hụt thiết bị điện tử và ô tô (do tình trạng thiếu chip bán dẫn nổi tiếng) đến khó khăn trong việc cung cấp thịt, thuốc và sản phẩm gia dụng..
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao đối với các mặt hàng thiếu hụt, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu đã tăng vọt, trong khi tình trạng thiếu tài xế xe tải ở cả hai khu vực này càng khiến vấn đề vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn. Từ đó, giá các mặt hàng khi được niêm yết lên kệ cũng tăng vọt.
Đại dịch khiến chúng ta nhìn nhận lại mức độ liên kết giữa các mắt xích cung ứng và mức độ dễ tổn thương của sự liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở giai đoạn phát triển nhất, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí đầu ra tới mức vô cùng thấp, chủ yếu do giảm chi phí thuê nhân công và nhà sản xuất không gặp các vấn đề về nguồn cung nhiên liệu, từ đó giúp điều hòa lại giá cả hàng hóa cụ thể là giá thấp hơn. Như một lẽ đương nhiên, sản phẩm có doanh thu tốt hơn cũng như tăng sức cạnh tranh của các công ty trên thị trường.
Nhưng đại dịch đã làm bộc lộ những vết rách rời rạc trong mạng lưới này, với sự gián đoạn ở một phần của chuỗi sẽ có tác động đối với tất cả các bộ phận khác của chuỗi, từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp và nhà phân phối, người tiêu dùng và sức tăng trưởng kinh tế các quốc gia.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến tăng trưởng
Khi các nền kinh tế trên đà ổn định trở lại, khủng hoảng chuỗi cung ứng xuất hiện như một trong những thách thức lớn nhất mà các chính phủ hiện nay phải đối mặt.
Vấn đề này đang càng trở nên nghiêm trọng trong mùa Giáng Sinh sắp tới. Các quan chức Nhà Trắng cho biết người dân Mỹ có thể phải đối mặt với việc giá cả tăng cao và chỉ có một số loại hàng hóa có thể được bày bán trong mùa lễ hội sắp tới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và châu Âu cũng đang giảm một cách đáng kể do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Trung Quốc báo cáo GDP quý thứ ba chỉ tăng 4,9% so với quý trước, do hoạt động công nghiệp ít sôi động hơn dự kiến trong tháng 9 (tăng 3,1% dưới mức 4,5% đề ra).
Bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế của Greater China tại ING, cho biết: "Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 khi một số hoạt động cảng bị ảnh hưởng trong quý III và tình trạng thiếu chip tiếp tục diễn ra trong quý này".
Theo bà, sự gián đoạn này dự kiến sẽ kéo dài do giá cước vận tải vẫn còn cao và tình trạng thiếu chip vẫn là một vấn đề quan trọng đối với các ngành như thiết bị, ô tô và thiết bị viễn thông.
Các nhà kinh tế hàng đầu của Đức đã cảnh báo "tắc nghẽn nguồn cung sẽ tiếp tục đè nặng lên sản xuất trong thời gian tới" và có khả năng cản trở tăng trưởng ở Đức - một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Thu nhập bị ảnh hưởng
Các chuyên gia cho biết thu nhập cá nhân giảm là một trong những yếu tố bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đứt gãy cung ứng.
Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, Kristina Hooper, trong một nghiên cứu mới đây cho rằng: "Những gia tăng lo ngại về chuỗi cung ứng" cùng với việc một số công ty Mỹ đưa ra cảnh báo về chi phí sản xuất gia tăng dẫn đến thu nhập cá nhân bị cắt giảm. Tuy nhiên, một số những yếu tố gây ra các vấn đề của chuỗi cung ứng, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động, sẽ được giải quyết sớm hơn những yếu tố khác.
Nhưng cũng những vấn đề này có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài hơn. Bất kể các công ty dù ở đâu đều gặp gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào cao hơn và một số vấn đề về tìm nguồn lao động. Tuy nhiên, một số công ty sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những công ty khác. Chi phí tăng nhìn chung sẽ có tác động lớn nhất đến các công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp, chủ yếu là các công ty trong lĩnh vực vận tải, bán lẻ, xây dựng và ô tô. Những công ty ít bị ảnh hưởng nhất là những công ty có tỷ suất lợi nhuận rộng, chi phí nguyên vật liệu hạn chế và lực lượng lao động nhỏ bao gồm các công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe".
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt một số nguyên vật liệu, cụ thể là chất bán dẫn, có thể sớm được cải thiện, với dự báo sẽ quay trở lại mức sản xuất bình thường vào quý II/2022. Nhìn chung, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí đầu vào cao chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng nói chung có khả năng tiếp tục trong ngắn hạn, đặc biệt là nếu làn sóng Covid-19 quay trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận