Chuỗi cung ứng của Apple dịch chuyển mạnh mẽ: Từ Foxconn, Luxshare, GoerTek liên tục xây mới nhà máy, đều tăng thêm cả tỷ USD doanh số tại Việt Nam
Nhưng cũng xin lưu ý, Apple hiện có tới hơn 20 nhà cung ứng lớn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng Apple toàn cầu?
Những năm gần đây chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, đặc biệt là Việt Nam.
Apple, nhà thiết bị công nghệ cá nhân lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường gần 2.500 tỷ USD là một trong những ví dụ điển hình cho xu hướng này. Công ty "táo khuyết" quản lý một chuỗi cung ứng lớn và hiệu quả nhất với hơn 200 nhà cung cấp, tập trung phần lớn nhà máy tại Trung Quốc.
Năm 2020, các nhà cung ứng thiết bị lớn của Apple đã đồng loạt đầu tư thêm nhà máy hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất và doanh thu tăng vọt.
Việt Nam có thêm những công ty điện tử tỷ đô
Hon Hai Precision Industry hay được biết với cái tên Foxconn (Đài Loan) – nhà cung ứng số một của Apple với ba nhà máy tại Việt Nam. Năm ngoái, công ty đạt tổng doanh thu 114.400 tỷ đồng, tăng 34.400 tỷ đồng so với năm trước đó, tương ứng 43%.
Đầu năm nay, Foxconn đã tiến hành đầu tư thêm một nhà máy tại KCN Quang Châu (Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 270 triệu USD nhằm gia công máy tính bảng, máy tính xách tay cho Apple. Công suất nhà máy đạt 8 triệu sản phẩm/năm.
Hai nhà sản xuất lớn khác từ Trung Quốc là GoerTek và Luxshare cũng chứng kiến doanh thu tăng vọt.
Tổng doanh thu của hai nhà máy GoerTek tại Quế Võ, Bắc Ninh tăng từ 13.900 tỷ đồng lên 60.400 tỷ đồng.
Hai nhà máy Luxshare tại Bắc Giang tổng doanh thu từ 7.400 tỷ đồng lên 39.000 tỷ đồng.
Những con số nói trên cho thấy sự dịch chuyển quy mô sản xuất rất lớn của các nhà cung ứng chính cho Apple đến Việt Nam.
Động thái của Apple nằm trong xu hướng lớn là các ông lớn công nghệ toàn cầu muốn giảm sự phụ thuộc hoạt động sản xuất của họ vào Trung Quốc, nơi xưa nay vẫn được xem là công xưởng của thế giới.
Chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc, những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, cộng thêm sự bùng phát của đại dịch năm ngoái làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, tất cả dẫn đến nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia. Hơn nữa, chính phủ Mỹ đã khởi xướng một chiến dịch "tái cấu trúc chuỗi cung ứng" và kêu gọi các nhà cung cấp công nghệ rời khỏi Trung Quốc.
GoerTek, nhà lắp ráp tai nghe AirPods chính của Apple đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp của công ty này đánh giá lại tính khả thi của việc chuyển sản xuất sang Việt Nam từ năm 2018. Thực tế, công ty Trung Quốc là nhà cung cấp đầu tiên của Apple xác nhận kế hoạch dịch chuyển sản xuất.
Năm 2019, Apple đã yêu cầu nhiều nhà cung cấp nghiên cứu tác động chi phí của việc chuyển khoảng 15 – 30% sản lượng ra khỏi Trung Quốc cho một loạt dòng sản phẩm. Dòng AirPods của hãng xuất xưởng khoảng 90 triệu chiếc mỗi năm, lần đầu được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam vào mùa hè năm 2019, sau đó sản xuất hàng loạt vào năm 2020. Một phần sản lượng của AirPods Pro, AirPods Max và HomePod mini cũng đã được phân bổ đến Việt Nam vào năm ngoái.
Luxshare cũng nổi tiếng với việc sản xuất các sản phẩm tai nghe Airpods cũng mới chỉ bắt đầu đẩy mạnh hoạt động từ năm 2019.
Làn sóng dịch chuyển chậm lại vì COVID-19
Mặc dù xu hướng chung là hết sức rõ ràng, nhưng đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đang làm chậm lại đáng kể sự dịch chuyển sản xuất này.
Theo nguồn tin của Nikkei Asia, Apple đã bắt đầu sản xuất loạt tai nghe Airpods mới nhất của mình tại Trung Quốc thay vì Việt Nam như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, thương hiệu "táo khuyết" vẫn hy vọng sẽ chuyển khoảng 20% sản lượng Airpods mới sang Việt Nam.
Kế hoạch đưa một số nhà sản xuất MacBook và iPad của Apple sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới đòi hỏi các kỹ sư có kinh nghiệm và đào tạo công nhân địa phương. Khi cả Trung Quốc và Việt Nam đều áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong năm nay, quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước bị chậm lại.
Theo Nikkei Asia, nhân sự người Trung Quốc của các nhà cung ứng gặp khó khăn trong việc xin cấp phép làm việc tại Việt Nam do những yêu cầu khắt khe hơn.
Để đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, Việt Nam có thời điểm yêu cầu các nhà sản xuất buộc phải đóng cửa. Các nhà cung cấp chủ chốt của Apple gồm Foxconn, Luxshare là GoerTek đã phải dừng sản xuất hồi tháng 5 khi dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang.
Theo tìm hiểm, Apple hiện có trên 20 nhà cung ứng thiết bị có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận