Chứng khoán Việt Nam bước sang giai đoạn mới
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển sang một giai đoạn mới, bền vững và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Quy mô thị trường đã lớn lên nhiều
Trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán trong nước đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, thể hiện qua những chỉ số lạc quan, vượt xa mục tiêu cơ quan quản lý từng đặt ra trước đó. Đến cuối tháng 11/2021, quy mô vốn hóa thị trường đã tương đương 133% GDP, tăng mạnh so với con số hơn 80% vào thời điểm cuối năm 2020.
Quy mô giao dịch thị trường từ chỗ chỉ mười mấy ngàn tỷ đồng một phiên trong năm 2020 đến nay đã đạt bình quân 20.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên. Cao điểm, có phiên, thanh khoản toàn thị trường đạt tới 55.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,2 tỷ USD.
Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường đã tăng vọt trong giai đoạn thị trường sôi động vừa qua, liên tục phá kỷ lục về lượng tài khoản mở mới theo tháng. Từ chỗ nhà đầu tư tham gia chỉ lèo tèo 1 triệu tài khoản thì tới thời điểm cuối tháng 11/2021 đã đạt khoảng 3,5 triệu tài khoản và dự báo sẽ tiếp tục được nâng lên nhờ sức hút của thị trường.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong nước nhờ hội tụ nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố đại dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh tế bị co hẹp hoặc đóng băng, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, người dân chuyển hướng dòng tiền đầu tư sang thị trường chứng khoán, làm xuất hiện tầng lớp nhà đầu tư mới, thường được gọi là F0, rất đông đảo, thì phải khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vận động đúng quy luật và đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường đón một lượng hàng hoá lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Các ngân hàng thương mại hiện nay đang thừa hưởng kết quả của quá trình tái cơ cấu hơn 10 năm qua của ngành, chất lượng quản trị được nâng lên rõ rệt, nợ xấu giảm mạnh.
Trong đó, có ngân hàng nợ xấu chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ cho vay, còn nợ xấu của các ngân hàng tham gia tái cơ cấu chỉ chừng 2% - tỷ lệ rất lý tưởng so với 10 năm trước. Có những ngân hàng có thu nhập trên mỗi cổ phần lên tới 6.000 - 7.000 đồng/năm.
Đây là hàng hoá chất lượng đồng thời là sự lớn lên của các doanh nghiệp ngành nghề khác góp phần tạo được sự phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán, giữ chân nhà đầu tư.
Cũng nhờ sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân mới và cũ, thị trường chứng khoán đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, “chia lửa” với hệ thống ngân hàng.
Hai năm qua, rõ ràng, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng rất khó khăn, việc doanh nghiệp vay vốn mới là rất khó. Ngành ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, nhưng để vay vốn mới là rất khó, vì các ngân hàng phải quản trị rủi ro, trong khi các quan ngại về dịch bệnh chưa thể lượng hoá.
Năm 2020, tổng giá trị huy động qua kênh cổ phiếu đạt hơn 470.000 tỷ đồng, huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp thậm chí còn nhiều hơn. 9 tháng đầu năm nay, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu đạt khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay không dám tăng vốn vì sợ không thành công, thì đầu năm 2021, họ đã mạnh dạn tìm đến nhà tư vấn phát hành để tìm giải pháp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không chỉ phát hành theo phương thức phân phối cho cổ đông hiện hữu, mà đã tiến hành đấu giá cổ phần ra công chúng.
Nhiều cuộc đấu giá đã tổ chức thành công, với mức giá trúng đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm đưa ra, tạo nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn cho doanh nghiệp.
Nhờ thị trường chứng khoán lớn lên, quan điểm của nhà đầu tư về lợi nhuận và rủi ro đã khác nhau. Theo đó, vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán đang ngày càng lớn và quan trọng, tạo nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp.
Những kỳ vọng cho giai đoạn mới
Có thể nói, ngành tài chính, chứng khoán đang có thay đổi lớn. Hiện các công ty chứng khoán áp lực vì sự tăng trưởng bất ngờ về quy mô giao dịch của thị trường. Với vốn điều lệ rất nhỏ so với nhu cầu tài chính của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đã và đang gấp rút triển khai nhiều kế hoạch tăng vốn, nhằm nâng cao năng lực tài chính, triển khai các kế hoạch đầu tư và đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng.
Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cần sự phát triển về cả chất và lượng. Xét về lượng, quy mô vốn hóa tương đương 130% GDP cho thấy thị trường chứng khoán có bước tiến dài, nhưng để thị trường phát triển tốt hơn nữa, tỷ lệ này cần phải đạt tới mức 200%.
Xét về chất, bên cạnh vấn đề cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường, thì một yếu tố căn bản tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững cho thị trường chính là chất lượng nhà đầu tư.
Từ kinh nghiệm của SHS và quá trình tư vấn cho khách hàng, chúng tôi nhận thấy, yếu tố đầu tiên nhà đầu tư cần phải có khi tham gia thị trường là phải có kiến thức. Có rất nhiều yếu tố tạo sức hấp dẫn của một cổ phiếu, không ai đoán được hết giá trị của doanh nghiệp, của cổ phiếu và vì vậy, khi đã đầu tư chứng khoán không thể không tìm hiểu thông tin.
Tại sao SHS đầu tư tốt? Đó là vì quan điểm đầu tư của chúng tôi luôn rõ ràng, tập trung vào vấn đề con người, sức khoẻ tài chính, ngành nghề kinh doanh, lợi thế của thị trường của doanh nghiệp. Sự bền vững của nhà đầu tư cấu thành sự phát triển bền vững của thị trường.
Mỗi giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng, dòng tiền đầu cơ tăng cao đều đẩy giá nhiều cổ phiếu đi xa giá trị thực của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư mới chưa trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, mua đuổi bán đuổi theo đám đông rất dễ gặp rủi ro khi giá cổ phiếu điều chỉnh sâu. Nhiều nhà đầu tư sau những tổn thất lớn sợ hãi mà rời bỏ thị trường.
Trong quá khứ, có không ít những bài học như vậy.
Tôi mong muốn sau câu chuyện lớn mạnh về quy mô, câu chuyện tiếp theo là nâng hạng thị trường. Thị trường đã lớn lên rồi, rất cần có cơ chế phù hợp.
Câu chuyện này một khi được giải quyết sẽ tạo ra cú huých mạnh hơn nữa cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận