Chứng khoán trước cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ
Trước xu hướng lãi suất đô la Mỹ bắt đầu chu kỳ đi xuống, rủi ro tỷ giá không còn nhiều, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có thể quay lại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Liệu những ngành nào có thể hưởng lợi?
Chu kỳ nới lỏng chính sách hỗ trợ thị trường
Sau khi điều chỉnh giảm 3,5% trong nửa đầu tháng 9-2024, chỉ số VN-Index đã bật lại kể từ giữa tháng 9, với mức phục hồi hơn 2,4% tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (23-9). Đáng kể nhất phải nói đến phiên tăng 20 điểm vào ngày 17-9. Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình, cho thấy dòng tiền vẫn đang thận trọng quan sát.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản đô la Mỹ vào ngày 20-9 đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới đi lên mạnh mẽ, trong đó các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới, nhưng dường như vẫn chưa có tác động nhiều đến thị trường Việt Nam. Chẳng những vậy, chỉ số VN-Index còn đi xuống trong hai ngày 20 và 21-9 sau khi được kéo mạnh vào đầu phiên.
Nhóm ngân hàng có khả năng tiếp cận dòng vốn vay quốc tế, vốn tài trợ thương mại từ các định chế tài chính toàn cầu với chi phí rẻ hơn khi lãi suất đô la Mỹ đi xuống.
Dù vậy, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại của Mỹ chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tích cực lên các thị trường tài sản trong giai đoạn tới, nhất là khi Fed chỉ mới ở bước đầu tiên cắt giảm lãi suất. Dự báo cho thấy cơ quan này sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5-0,75 điểm phần trăm trong hai cuộc họp cuối cùng của năm 2024. Đối với năm 2025, các quan chức Fed dự kiến có thể cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm còn năm 2026 là 0,5 điểm phần trăm. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất chuẩn kết thúc năm 2025 ở mức từ 3,25-3,5%. Đến cuối năm 2026 thì lãi suất có thể thấp hơn 3% một chút.
Nhìn lại quá khứ, lần cắt giảm lãi suất trước đó về mức kỷ lục 0% của Fed vào tháng 3-2020 để ứng phó với đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hàng loạt nền kinh tế khác hành động tương tự. Đơn cử như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng có đến ba lần giảm lãi suất trong năm 2020, giúp TTCK Việt Nam sau khi tạo đáy vào tháng 3-2020 đã phục hồi mạnh mẽ sau đó với chuỗi tăng kéo dài trong gần hai năm, lập đỉnh vào đầu năm 2022 trước khi điều chỉnh giảm trở lại. Đáng lưu ý là đà đi xuống của TTCK Việt Nam cũng tương thích với thời điểm Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất từ tháng 3-2022.
Một kịch bản tương tự cũng đang được kỳ vọng trong chu kỳ giảm lãi suất lần này của Fed. Indonesia mới đây đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 6%. Philippines đã giảm lãi suất trong tháng 8. NHNN đã có động thái giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) trong hơn một tháng qua. Dù xác suất thấp nhưng không loại trừ khả năng nhà điều hành sẽ có động thái nới lỏng thêm, như cắt giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới sau khi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, lại đang bị ảnh hưởng từ những thiệt hại từ cơn bão Yagi mới đây, nên động lực nới lỏng chính sách để kích thích kinh tế gia tăng. Ngoài ra, áp lực trên thị trường ngoại hối đã giảm, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng không còn đáng lo ngại, nhà điều hành có thể tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhóm ngành hưởng lợi
Trước xu hướng lãi suất đô la Mỹ bắt đầu chu kỳ đi xuống, rủi ro tỷ giá không còn, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có thể quay lại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Một báo cáo gần đây cho thấy các nhà quản lý tài sản đã tăng vị thế đầu tư trái phiếu chính phủ ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong hai tháng qua và mua ròng cổ phiếu Indonesia, Malaysia và Philippines trong ba tháng.
Tại Việt Nam, sau khi đã bán ròng đến 64.000 tỉ đồng, tương đương 2,6 tỉ đô la Mỹ, trong tám tháng đầu năm nay do chênh lệch lãi suất đô la Mỹ – tiền đồng còn cao, khối ngoại có thể đảo chiều chiến lược giao dịch trong thời gian tới khi chênh lệch lãi suất sẽ giảm dần vì Fed đã bắt đầu lộ trình giảm lãi suất. Hơn nữa, giá chứng khoán Việt Nam đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên bởi tổ chức FTSE Russel trong năm 2025.
Thực tế là từ đầu tháng 9-2024 đến nay, khối ngoại có xu hướng mua ròng. Như trong tuần trước, khối ngoại đã có đến bốn phiên mua ròng liên tục từ ngày 16 đến 19-9, ngay trước thời điểm Fed quyết định giảm lãi suất, với tổng giá trị mua ròng đạt 1.511 tỉ đồng. Phiên giao dịch đầu tuần này, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 182 tỉ đồng.
Về các nhóm ngành có thể hưởng lợi trước chu kỳ nới lỏng chính sách của Mỹ, có thể kể đến nhóm bất động sản khu công nghiệp vốn vẫn đang lặn ngụp ở vùng đáy. Lãi suất đô la Mỹ thấp hơn sẽ kích thích các tập đoàn đa quốc gia vay vốn để mở rộng đầu tư, theo đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, giúp giá thuê đất tại các khu công nghiệp tiếp tục đi lên.
Nhóm ngân hàng cũng có khả năng tiếp cận dòng vốn vay quốc tế, vốn tài trợ thương mại từ các định chế tài chính toàn cầu với chi phí rẻ hơn khi lãi suất đô la Mỹ đi xuống. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều ngân hàng nỗ lực ký kết các thỏa thuận nhận nguồn vốn tài trợ thương mại để gia tăng nguồn vốn kinh doanh bền vững, cũng như tìm kiếm cơ hội phát hành trái phiếu ngoại tệ ra thị trường quốc tế để tăng cường nguồn vốn tự có.
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng là một trong những ngành tích cực tìm kiếm nguồn vốn vay từ thị trường quốc tế để mở rộng nguồn vốn cho các hoạt động margin và tự doanh. Ngoài ra, trước triển vọng TTCK sẽ tăng trưởng tích cực hơn khi chu kỳ nới lỏng bắt đầu diễn ra, kết quả hoạt động của các công ty chứng khoán được dự báo lạc quan hơn trong giai đoạn tới.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại cũng đứng trước cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước xu thế này. Fed giảm lãi suất sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân Mỹ, qua đó thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Có thể kể đến các nhóm ngành có doanh thu lớn từ thị trường Mỹ như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất hay thủy, hải sản.
Các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cũng có thể hưởng lợi khi lãi suất đô la Mỹ đi xuống và rủi ro tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng không còn lớn như trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận