Chứng khoán tháng 4 có sóng gió?
Các chuyên gia nhận định thông tin về kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1/2022 và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần thay thế cho những mối bận tâm hiện hữu trên thị trường về xung đột Nga - Ukraine, việc Fed nâng lãi suất, cơ quan chức năng bắt nhiều lãnh đạo doanh nghiệp…
Tâm điểm mùa ĐHĐCĐ và báo cáo quý 1
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường của CTCK VNDirect cho rằng, những rủi ro hiện hữu như xung đột Nga - Ukraine, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và tin tức liên quan đến một số lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị bắt giữ sẽ ít tác động hơn tới diễn biến TTCK trong tháng 4 này.
Bên cạnh đó, thị trường cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ như: Nền kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng phục hồi khá rõ nét trong quý 1/2022. Chính phủ sẽ bắt đầu giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng (trong gói kích thích kinh tế) và các giải pháp khác như gói hỗ trợ lãi suất 40,000 tỷ đồng, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, qua đó ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn trong các quý tới. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn cũng tiến hành đại hội đồng cổ đông và công bố kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022.
Theo ông Hinh, những thông tin về KQKD quý 1/2022 và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ dần thế thay thế cho những mối bận tâm hiện hữu trên thị trường. Từ đó, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực và kiểm định lại đỉnh cũ 1,538 điểm. Nếu vượt đỉnh thành công, chỉ số VN-Index có thể hướng tới vùng 1,560-1,570 điểm.
Nói về chứng khoán tháng 4, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của KBSV nhận định, hiện có nhiều yếu tố tích cực trong dài hạn với thị trường như số liệu vĩ mô quý 1 thể hiện kinh tế đang hồi phục.
Trong ngắn hạn, nhiều thông tin khó dự báo như xung đột Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, tin tức về những lãnh đạo doanh nghiệp trong nước bị bắt khiến thị trường khó có thể bứt phá mạnh trong tháng 4, dẫn tới nhịp đi ngang và có thể điều chỉnh.
Rủi ro lớn nhất của thị trường hiện tại là lạm phát và giá hàng hóa. Những yếu tố này có thể sẽ tác động tới nền tảng chính sách tài khóa, tiền tệ.
Các thông tin bắt người gần đây trên thị trường là tiêu cực, tuy nhiên tác động sẽ không quá lớn và chỉ diễn ra ngắn hạn. Ngoài ra, nhà đầu tư hôm nay đã “trưởng thành” hơn so với giai đoạn trước nên đã có những phản ứng đúng đắn hơn trước các thông tin này.
Đầu tư thế nào trong tháng 4?
Chiến lược đầu tư hiện tại là tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn, có tăng trưởng. Chuyên gia từ KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên phân bổ danh mục với tỷ trọng 70% cổ phiếu và 30% tiền. Lượng tiền mặt này là để đề phòng thị trường có nhịp điều chỉnh. Dự báo triển vọng 2 năm tới vẫn tích cực nên các nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua vào. Tất nhiên, nhà đầu tư phải lựa chọn các cổ phiếu có cơ bản thực sự tốt.
Theo ông Đức Anh, dòng tiền hướng tới cổ phiếu cơ bản trong giai đoạn gần đây là hoàn toàn hợp lý song đang có sự phân hóa, các cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng vẫn thu hút dòng tiền dù giá đã lên cao. Ngược lại, các mã chưa có triển vọng rõ ràng khó có thể tìm được điểm cân bằng mới.
Đối với dòng đầu cơ, nên tránh những cổ phiếu bị đội lái thao túng bởi đây là những trò chơi có tổng âm. Nhà đầu tư thường nhận phần thua thiệt vì không kiểm soát được mặt bằng giá như đội lái. Nhất là trong bối cảnh hiện tại thì càng nên tránh xa.
Với động lực tăng trưởng từ mở cửa kinh tế, dòng vốn FDI quay lại, tăng xuất nhập khẩu, các nhóm ngành hưởng lợi từ các yếu tố này và có tăng trưởng cao như bán lẻ, dệt may, thủy sản sẽ có triển vọng. Nhóm cổ phiếu tăng theo giá hàng hóa cũng được đánh giá có tiềm năng, nhưng yêu cầu nhà đầu tư phải theo sát diễn biến vĩ mô thế giới như xung đột Nga - Ukraine để ra quyết định chuẩn xác.
Ông Hinh thì khuyến nghị nhà đầu tư nên lưu tâm và tăng tỷ trọng phân bổ vào những ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ, có triển vọng kinh doanh năm 2022 tích cực và định giá ở mức hợp lý như nhóm cổ phiếu ngân hàng, dệt may, bất động sản khu công nghiệp và tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ).
Qua thống kê kế hoạch sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết đã công bố, đa phần các doanh nghiệp đều đánh giá triển vọng kinh doanh năm 2022 sẽ cải thiện so với năm 2021. Đặc biệt, một số ngành đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm nay như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, ngân hàng, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).
Vị chuyên gia có cái nhìn lạc quan về bức tranh KQKD quý 1/2022 của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt trong những ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao như hóa chất, phân bón, thủy sản và xu hướng phục hồi của tiêu dùng như ngành bán lẻ. Ngoài ra, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận