Chứng khoán phái sinh: Chờ đợi thế lệnh mới
Trong tuần đáo hạn phái sinh, một lần nữa, trọng trách lại đè lên vai dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân.
Trọng trách vẫn trên vai dòng tiền F0
Trong tuần đáo hạn phái sinh, một lần nữa, trọng trách lại đè lên vai dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, khi cả khối ngoại và nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán đều liên tiếp bán ròng. Điểm tích cực là khẩu vị của nhà đầu tư cá nhân đã có sự chuyển biến trong phiên cuối tuần, khi có hiện tượng chốt lời ở các cổ phiếu đầu cơ và dịch chuyển dần sang nhóm blue-chips vốn đã chiết khấu giá sâu.
Thông tin kích thích sự chuyển dịch này đến từ các tin đồn về khả năng nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng và đây cũng sẽ là tâm điểm cho tuần sau khi nhà đầu tư chờ đợi những sự xác nhận để đưa ra quyết định giải ngân hay tăng tỷ trọng.
Ở góc độ liên thị trường, sự kiện quan trọng là biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) được đưa ra vào đêm ngày 25/11/2021, trong đó giới đầu tư theo dõi chặt để dự báo các động thái của Fed trong khả năng nâng lãi suất sớm hơn dự kiến hay đẩy mạnh việc thu hẹp chương trình mua lại trái phiếu.
Đã xuất hiện lực cầu trên các mức hỗ trợ
Tưởng chừng như cú rũ của VN30-Index và VN30F1M diễn ra trong phiên 12/11/2021 là đủ để thị trường sẵn sàng bứt hẳn khỏi nền và tạo ra sóng tăng trưởng mới, thì sự “bạc nhược” bất ngờ của HPG và loạt cổ phiếu ngân hàng lại khiến VN30-Index nhanh chóng thủng khỏi viền cổ của mẫu hình hai đáy là 1.520 điểm và chuyển hoàn toàn xu hướng trở về trạng thái trung tính.
Bất ngờ hơn nữa là sau các diễn biến “đè giá” của phiên đáo hạn ngày 18/11/2021 ở SAB, VIC… thì trong phiên cuối tuần qua (19/11), thị trường còn tự điều chỉnh sâu hơn và chốt lời thẳng tay một loạt cổ phiếu đã tăng nóng. Nhóm ngân hàng mới chớm bứt khỏi nền đã quay ngược trở lại và chỉ giữ mức tăng nhẹ, ngoại trừ một số cổ phiếu như HDB.
Điểm sáng là lực cầu cuối phiên đã tham gia mạnh và tạo dựng một loạt nến rút chân trên đồ thị khung 15 phút của VN30-Index. Ở VN30F1M, giá cũng đã đóng tuần cao hơn mức trọng yếu là 1.500 điểm và mức chênh lệch giá (spread) đã chuyển sang dương cho thấy tâm lý nhà đầu tư không quá bi quan.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: “Chờ đợi thế lệnh mới”
Trong phiên đáo hạn ngày 18/11, hợp đồng VN30F1M vi phạm hoàn toàn các ngưỡng hỗ trợ của thế lệnh Mua được đưa ra trong tuần trước, đồng nghĩa rằng trong tuần mới nhà đầu tư phải chờ đợi thế lệnh hoàn toàn mới.
Kỳ vọng lúc này là VN30F1M sẽ chuyển hẳn sang trạng thái dao động trong biên kháng cự - hỗ trợ và không hình thành xu hướng ngắn hạn, khi nền giá ngày càng bất ổn và vùng kháng cự 1.540 điểm tiếp tục duy trì vững chắc.
Do đó, với chiến lược “giao dịch ngắn hạn”, ưu tiên Mua khi điều chỉnh về khu vực hỗ trợ 1.470 - 1.480 điểm vừa được kiểm chứng và quản trị rủi ro khi thủng khỏi 1.460 điểm; bán chốt lời nếu giá tăng trở lại kháng cự mạnh 1.530 - 1.540 điểm.
Dành cho nhà đầu tư ưa thích “giao dịch theo xu hướng”, xu hướng dài hạn của hợp đồng phái sinh VN30F1M vẫn là xu hướng tăng, nhưng giá đã xuyên thủng qua mức quản trị rủi ro trung hạn. Vì vậy, phương án hành động hợp lý là mở Mua mới nếu giá tạo ra mẫu hình đảo chiều mạnh xung quanh vùng giá 1.470 - 1.490 điểm và bứt phá vượt hẳn qua 1.500 điểm. Giữ mức tỷ trọng nhỏ và chờ đợi những sự chuyển biến rõ ràng hơn của động lượng giá, đóng vị thế nếu vi phạm 1.480 điểm.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Toàn bộ các vị thế Mua của người viết đã phải đóng ở 1.510 điểm để quản trị rủi ro trong phiên đáo hạn đầy rung lắc của hợp đồng VN30F2111. Điều đáng tiếc nhất là dù VN30-Index tích lũy đủ chín, nhưng tâm lý nhà đầu tư lại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dòng tiền chốt lời của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Sang tuần này, với bức tranh kỹ thuật hoàn toàn mới, không có nhiều dữ kiện để giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro các vị thế. Kế hoạch của người viết là chỉ giao dịch với lượng hợp đồng nhỏ để giữ cảm giác thị trường, chứ chưa chú trọng vào việc tối ưu hóa lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận