Chứng khoán Mỹ: Thất thường hay bình thường?
Thị trường chứng khoán Mỹ nhiều lần lập đỉnh mới (ATH), đặc biệt là chỉ số Nasdaq-100 có thời điểm tăng gần 25% so với đầu năm. Nếu nhìn vào chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hơn hai năm qua, sự tăng giá của đô la Mỹ cũng như vàng, thì điều gì đã khiến cho giá chứng khoán Mỹ không bình thường?
Giá là ở kỳ vọng
Với loại tài sản nào cũng vậy, giá của nó là tổng của hiện giá các dòng tiền trong tương lai. Thị trường định giá cao hay thấp một cổ phiếu là dựa vào lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng. Và điều này đã thể hiện qua sự tăng giá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngành công nghệ, đặc biệt là trường hợp tăng như tên lửa của cổ phiếu Nvidia với kỳ vọng rất lớn về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhưng điều gì đã khiến thị trường đặt kỳ vọng nhiều vào nhóm cổ phiếu công nghệ như Magnificent Seven (Microsoft, Apple, Nvidia, Alphabet, Amazon, Meta và Tesla)? Lợi nhuận và tăng trưởng của các doanh nghiệp này dĩ nhiên dựa vào nhu cầu của nền kinh tế, và do đó kỳ vọng vào sức mạnh và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ là một yếu tố quan trọng. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ có chậm lại nhưng liên tục ba năm qua, tăng trưởng tốt hơn những dự báo bi quan.
Kỳ vọng ở sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là kỳ vọng ở các doanh nghiệp công nghệ nhưng đây là vấn đề có tính tác động hai chiều: công nghệ phát triển thì kinh tế phát triển và kinh tế phát triển kéo theo công nghệ phát triển. Vậy thì điều gì khiến cho người ta kỳ vọng tích cực vào kinh tế Mỹ?
Trên thị trường tài chính, người ta hay nói với nhau rằng có những giai đoạn, thị trường có những biểu hiện rất là vô lý và nó có thể kéo dài hơn khả năng chịu đựng để không bị phá sản của nhà đầu tư. Chính vì vậy mà thông điệp được hiểu là đừng cố gắng đi ngược với thị trường như mở vị thế short. Còn trong dài hạn, thị trường sẽ trả giá đúng cho giá trị của tài sản.
Đó chính là chính sách của Fed, điều mà các nhà đầu tư trên thị trường luôn có giả định “Fed đứng sau lưng mình”. Thị trường đang rất tin tưởng Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9- 2024 sau hơn hai năm thắt chặt để xử lý lạm phát. Nhiều nhà phân tích còn dự báo vấn đề không phải là có hạ lãi suất hay không mà là sẽ hạ ở mức 25 bps hay 50 bps.
Như vậy, mặc dù đô la Mỹ mạnh lên (trong khi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm), giá vàng tăng thì cổ phiếu công nghệ Mỹ vẫn tiếp tục đi lên khi người ta kỳ vọng, tự tin vào nền kinh tế cũng như chính sách hạ lãi suất của Fed sắp tới.
Liệu có bong bóng?
Khi một loại tài sản tăng giá nhanh và vượt quá giá trị nội tại (intrinsic value) của nó, nhiều người sẽ nghĩ đến ngay câu hỏi “liệu có bong bóng?”. Nhưng để xác định được giá trị nội tại là một điều không hề dễ dàng. Lợi nhuận và tăng trưởng trong tương lai là một điều không thể biết trước, nên việc định giá luôn hàm chứa yếu tố chủ quan.
Tuy vậy, khả năng một tài sản là bong bóng sẽ cao khi nhu cầu mua tài sản bằng đòn bẩy tài chính và tâm lý đầu cơ cao. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng tăng nhanh và nhiều.
Giá trị của một tài sản phụ thuộc phần lớn vào dòng tiền trong tương lai, nghĩa là tài sản phải tạo ra giá trị, phải tạo ra được dòng tiền, và những thứ này phải thực chất. Nên điều khiến người ta quan ngại, sợ bong bóng là khi tài sản được hình thành từ đòn bẩy, và nguy hiểm hơn là tài sản không tạo được giá trị gia tăng, tạo được dòng tiền.
Thực tế đã cho thấy, khi tài sản được hình thành từ nợ vay, mà không tạo ra được dòng tiền thì áp lực trả lãi vay và thanh khoản sẽ dẫn đến tình trạng bán tháo, hoảng loạn khi gió đổi chiều. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng.
Mặc dù chỉ số giá cổ phiếu tăng và chỉ số vốn hóa so với GDP (Buffett indicator) hiện đang ở mức rất cao, xấp xỉ 200%, khiến nhiều người lo ngại, nhưng các chỉ số về đòn bẩy trong chứng khoán Mỹ vẫn ở mức vừa phải, như chỉ số FINRA Margin Balance đang dao động quanh mức 0,35 khi so với năm 2007 hay 2000 (trước khủng hoảng) là ở mức gần 0,5.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận