Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS): Lãi sau thuế quý I/2023 giảm 65%
Lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của Chứng khoán Kỹ Thương chỉ đạt gần 334 tỷ đồng, giảm 64,5 % so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong danh mục hơn 7.000 tỷ trái phiếu TCBS sở hữu, xuất hiện thêm 99 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Du lịch Thành Thành Công.
Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023 với lợi nhuận sau thuế hơn 333,5 tỷ đồng. Kết quả này thấp hơn 64,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo giải trình từ phía TCBS, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu hoạt động giảm 45% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hoạt động quý I/2023 ghi nhận 931,4 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm mạnh nhất, ghi nhận ở mức 496,7 triệu đồng (giảm 92%).
Bên cạnh đó, doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, từ 616 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu hoạt động, tương đương 36,4%) trong quý I/2022, giảm còn 227 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng doanh thu hoạt động).
Mảng môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính cũng giảm mạnh . Cụ thể, doanh thu môi giới giảm 72% xuống còn 83 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tư vấn tài chính giảm 95% còn 5,2 tỷ đồng.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) không biến động nhiều so với cuối năm 2022, ghi nhận ở mức gần 203 tỷ đồng (giảm 1%).
Ở chiều ngược lại, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận sẵn sàng để bán (AFS) tăng vọt 101% lên 104,1 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán và thu nhập hoạt động khác cũng tăng lên lần lượt 13 tỷ đồng và 20,4 tỷ đồng.
Do chênh lệch lãi tỷ giá hối đoái đã và chưa thực hiện giảm sâu 87% và doanh thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng không cố định cũng giảm 11,7% nên doanh thu hoạt động tài chính TCBS ghi nhận trong quý I/2023 giảm 77,8% so với cùng kỳ, đạt 3,56 tỷ đồng.
Về chi phí, ngoại trừ chi hoạt động giảm, ghi nhận ở mức 189,6 tỷ đồng, thì chi phí tài chính và chi phí quản lý cùng tăng 3%, lần lượt là 184 tỷ đồng và 112 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí khác của TCBS đội lên 445 triệu đồng (gấp 1310 lần), trong khi thu nhập khác chỉ tăng gần 5,6 lần, ghi nhận ở mức 77,5 triệu đồng.
Kết thúc quý I/2023, TCBS báo lãi trước thuế 448,1 tỷ đồng (giảm 62%). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 333,5 tỷ đồng, thấp hơn 64,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, TCBS dự kiến kế hoạch doanh thu hoạt động 4.654 tỷ đồng, lãi trước thuế 2.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, TCBS đã hoàn thành lần lượt hơn 20% doanh thu và hơn 22% lợi nhuận trước thuế.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản TCBS hơn 25.115 tỷ đồng (giảm 4%), vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên khoảng 11.328 tỷ đồng. Tiền và các khoản tăng đương tiền giảm nhẹ còn 2.039 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm gần 9% xuống còn 13.787 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, TCBS có gần 9,251 tỷ đồng dư nợ cho vay ký quỹ, tăng gần 11% so với đầu năm.
Các tài sản tài chính AFS, ở mức 8,683 tỷ đồng, giảm 17,4% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là giá trị trái phiếu mà TCBS nắm giữ tại ngày 31/3/2023, ở mức 7.297 tỷ đồng, tăng nhẹ so với ngày cuối cùng của năm 2022, gồm 737,1 tỷ đồng trái phiếu niêm yết (giảm 14,4%) và 6.559,5 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết (tăng 3,3%).
Trong quý I/2023, TCBS phát sinh mua gần 99 tỷ đồng trái phiếu niêm yết của Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality) – một thành viên của TTC Group.
Cũng theo Báo cáo tài chính quý I/2023 của TCBS, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại ngày 31/3/2023 là 9.003 tỷ đồng (tăng 31%). Nguyên nhân là trong kỳ, TCBS phát sinh các khoản vay hợp vốn tín chấp tại Ngân hàng HSBC bằng USD, quy đổi theo VNĐ là hơn 708 tỷ đồng.
Ngoài ra, TCBS còn phát sinh thêm các khoản vay ngắn hạn các Ngân hàng: CTBC-CN Hồ Chí Minh, TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, TMCP Hàng hải Việt Nam, TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam. Sau khi trả 114 tỷ đồng trong quý I/2023, tổng vay ngắn hạn tại các ngân hàng trên của TCBS là 1.424 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận