Chứng khoán châu Á trái chiều, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực
Chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc giảm điểm, Trung Quốc, Australia đi lên.
Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng mới.
Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83% trong khi chỉ số Topix giảm 0,57%.
Mức độ tự tin của một số doanh nghiệp sản xuất lớn tại xứ sở mặt trời mọc sụt giảm trong quý vừa qua, theo kết quả một cuộc khảo sát thực hiện bởi ngân hàng trung ương Nhật Bản. Theo đó, chỉ số số này đạt 9 điểm trong giai đoạn từ tháng 4-6, giảm 5 điểm so với quý trước đó.
“Các doanh nghiệp hiện tại phải đối diện với một loạt các cơn gió chướng, từ chi phí đầu vào tăng cao cho tới nguồn cung bất ổn định”, theo Stefan Angrick, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics. “Nghiêm trọng hơn, tất nhiên, là xung đột Nga - Ukraine và phong tỏa tại Trung Quốc”, ông chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box Asia” trong sáng ngày 1/7.
Tại Hàn QUốc, chỉ số Kospi giảm 0,39%, chỉ số Kosdaq giảm 0,86%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,57%.
Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều, tăng điểm sau khi kết quả tích cực từ một khảo sát tư nhân được công bố.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1% trong khi Shenzhen Component tăng 0,23%.
Theo đó, chỉ số Quản lý thu mua (PMI) Caixin/Markit lĩnh vực sản xuất tháng 6 vừa được công bố sáng nay. Theo đó chỉ số này đạt 51,7 điểm, cao hơn ngưỡng ranh giới 50 và tăng 3,6 điểm so với tháng trước đó. Con số thực tế cũng cao hơn dự báo 50,1 điểm của Reuters.
Chỉ số MSCI châu Á- Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,3%.
Chứng khoán Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ trong ngày hôm nay.
Hong Kong kỷ niệm 25 năm ngày Anh trao trả lại cho Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Hong Kong để tham gia lễ kỷ niệm này. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của quý II.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 253,88 điểm, tương đương 0,8%, xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,88% xuống 3.785,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,3% xuống 11.028,74 điểm.
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 có quý giảm điểm mạnh nhất kể từ quý I/2020, thời điểm các lệnh phong tỏa phòng Covid-19 được áp dụng khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh. Chỉ số Nasdaq trong quý vừa qua giảm 22,4%, mạnh nhất kể từ năm 2008.
Ngoài ra, chỉ số S&P 500 cũng trải qua giai đoạn 6 tháng đầu năm giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1970 trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về tình trạng lạm phát cao và quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và người tiêu dùng không còn mạnh tay chi tiêu như trước, dòng tiền chảy vào doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh và giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm, theo Rebecca Patterson, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Bridgewater Associates.
“Chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với khăn trong nửa còn lại của năm. Dự báo giảm điểm của chúng tôi vẫn không hề thay đổi”, bà chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box Asia”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận