Chứng khoán APEC đăng ký bán 8.1 triệu cp API
CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) vừa đăng ký bán 8.1 triệu cp của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) theo phương pháp thỏa thuận từ ngày 06/06-20/06/2023.
Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của APS tại API sẽ giảm từ 13.1% xuống còn 3.47%, tương đương hơn 2.9 triệu cp.
Mục đích thực hiện giao dịch được APS đưa ra là thực hiện theo Quyết định ngày 21/12/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo đó, UBCKNN phạt APS số tiền 250 triệu đồng do Công ty có hành vi vi phạm hành chính "không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật".
Cụ thể, từ ngày 22/09-15/10/2021, APS đã mua vào 4.5 triệu cp API, dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan vượt mức quy định (ông Nguyễn Đỗ Lăng – Thành viên HĐQT API và đồng thời là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APS), tăng từ gần 8 triệu cp lên gần 12.5 triệu cp API, tương ứng tỷ lệ tăng từ 22.59% lên 35.31% mà không đăng ký chào mua công khai.
Với hành vi đó, UBCKNN buộc APS phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Chứng khoán APEC (APS) và Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) đều thuộc hệ sinh thái “họ APEC”, cùng với Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Các cổ phiếu này từng “làm mưa làm gió” năm 2021 với đà tăng phi mã hàng chục lần. Tuy nhiên tới nay, không chỉ APS, các cổ phiếu “họ APEC” đều đã giảm mạnh.
Phiên chiều 05/06, thị giá APS giao dịch ở mức 15,700 đồng/cp, thấp hơn 74% so với đỉnh hồi giữa tháng 11/2021 là 59,900 đồng/cp. Song kể từ đầu năm 2023, mã này đã tăng 85%.
Mục tiêu lãi 2023 gần 230 tỷ, quý 1 thực hiện 13%
Liên quan đến Chứng khoán APEC (APS), ngày 08/06 tới, APS dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 2, sau lần 1 bất thành (ngày 16/05) do không đủ túc số.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, APS đặt kế hoạch doanh thu 860 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ, và lãi sau thuế dự kiến gần 230 tỷ đồng, trong khi lỗ ròng năm ngoái gần 450 tỷ đồng.
Đồng pha với diễn biến giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của APS cũng không mấy sáng sủa. Sau khi thua lỗ kỷ lục năm 2022, trong quý 1/2023, APS ghi nhận doanh thu hoạt động gần 127 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 30 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty chỉ mới thực hiện được hơn 13% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, APS sẽ trình phương án phát hành 8.3 triệu cp để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 10%. Ngoài ra, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ 50 triệu cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10,000 đồng/cp.
Số tiền dự kiến thu về tối thiểu 500 tỷ đồng từ đợt chào bán sẽ được Công ty cân đối sử dụng cho các mảng hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính - chứng khoán, cung ứng vốn cho hoạt động margin. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2023-2024.
Trước đó, tháng 12/2022, APS từng rút hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng. Nguyên nhân là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông (kế hoạch ban đầu, APS dự kiến chào bán 83 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận