Chục ngân hàng tăng lãi suất huy động, NHNN khẳng định tiếp tục điều hành lãi suất cho vay giảm
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo lãi suất cho vay tiếp tục giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bất chấp lãi suất huy động có xu hướng tăng.
Chỉ tính trong nửa đầu tháng 7/2024, trên thị trường đã có 10 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Các ngân hàng tăng lãi suất gồm NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank và KienLong Bank. Trước đó, trong tháng 6/2024 cũng đã có trên 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Mặc dù vậy, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo lãi suất cho vay tiếp tục giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
“Mặc dù lãi suất trên thế giới vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu giảm, song NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng”, bà Hằng cho biết.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 bắt đầu tăng liên tiếp trong 3 tháng qua, đi ngược với xu hướng giảm 3 tháng đầu năm. Dù vậy, đà tăng lãi suất trên thị trường 1 đang chững lại.
Trao đổi với báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, đà tăng lãi suất huy động thời gian qua là phù hợp, nhằm cân bằng hài hòa lợi ích, giúp người gửi tiền đỡ thiệt thòi.
Đáng chú ý, trong vài tháng gần đây, khối ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất thấp và đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động trong bối cảnh tín dụng tăng chậm. Đây là khối ngân hàng chiếm hơn 40% thị phần huy động và cho vay hiện nay.
Hiện lãi suất huy động trên thị trường đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 3 năm nay. Dù vậy, mức lãi suất huy động này vẫn thấp hơn 0,15 - 0,45 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,50%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các tổ chức tín dụng, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.
Theo các chuyên gia phân tích, huy động vốn chậm, tín dụng phục hồi là nguyên nhân khiến lãi suất huy động đi lên. Ngoài ra, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng.
Các chuyên gia nghiên cứu Công ty chứng khoán VDSC cho rằng, lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5 - 1%, trở về mức trung bình trước dịch Covid-19. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận