Chưa đủ lực đẩy sức mua trên thị trường bán lẻ
Các chương trình kích cầu tiêu dùng như giảm giá, khuyến mãi vẫn chưa đủ lực đẩy sức mua trên thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19.
Kể từ ngày 30/9 đến nay, khi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh công bố tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hoạt động thương mại của thành phố đã nhộn nhịp mở cửa phục vụ người dân.
Tuy nhiên, các chương trình kích cầu tiêu dùng như giảm giá, khuyến mãi và tăng tiện ích cho khách hàng vẫn chưa đủ lực đẩy sức mua trên thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo chị Mỹ Trang, cư ngụ tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay gia đình vẫn thắt chặt chi tiêu trong khoảng sinh hoạt phí hàng ngày để giảm rủi ro tài chính, vì tình hình kinh tế - xã hội và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tuy vậy, việc nới lỏng giãn cách xã hội, cũng tạo điều kiện cho gia đình có thể mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu kịp thời với giá cả phải chăng hơn.
Đặc biệt, người dân tại Tp. Hồ Chí Minh không còn chịu mức phí giao hàng, vận chuyển với giá cao ngất ngưởng như thời điểm thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”.
Tương tự, nhiều người dân ở những khu dân cư khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dù hoạt động thương mại mở cửa trở lại với đa dạng chương trình khuyến mãi, giảm giá và tăng tiện ích miễn phí giao hàng, mua 1 tặng 1... nhưng vẫn chỉ ưu tiên lựa chọn những nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ vẫn đang trong đợt biến động về giá cả và nguồn cung hàng hóa, nên việc mua dự phòng hay mua nhiều ở thời điểm này không phải là phương án khả thi cho các gia đình.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Hoàng Minh, cư ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ, thời gian giãn cách xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh kéo dài và kéo theo người lao động bị mất việc hoặc cắt giảm lương, nên thu nhập bị ảnh hưởng thì cũng tác động đến chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, hoạt động kích cầu tiêu dùng trên thị trường bán lẻ hiện nay, có thể chỉ đạt được mục tiêu san sẻ gánh nặng tài chính phần nào cho người dân Tp. Hồ Chí Minh, còn doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cửa hàng kinh doanh... sẽ từng bước kết nối lại khách hàng thân thiết và tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Ghi nhận thực tế trên thị trường bán lẻ trực tiếp (offline) lẫn online (trực tuyến) đều đang trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt để giữ chân khách hàng.
Thậm chí, sau thời gian thích ứng với diễn biến dịch COVID-19, thói quen người tiêu dùng thay đổi... nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cửa hàng kinh doanh... đã hình thành cả kênh bán hàng offline và online, bên cạnh duy trì đều đặn hoạt động kích cầu tiêu dùng.
Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, mà ngay cả những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thương nhân, tiểu thương... đều đang không ngừng nỗ lực đổi mới và thực hiện mọi mô hình kinh doanh nào mang lại hiệu quả cao.
Điều này được đánh giá là giúp doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cửa hàng kinh doanh... cải thiện doanh thu khi tâm lý người tiêu dùng không nhu cầu mua sắm cao, dù hoạt động kích cầu tiêu dùng được triển khai ở phong phú ngành hàng, sản phẩm...
Cụ thể, anh Quốc Việt, Giám đốc một công ty nội thất gia dụng tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, ở giai đoạn hiện nay, doanh số bán hàng online chiếm tỷ lệ cao hơn bán hàng offline.
Kết quả này tuy vẫn không bằng giai đoạn bình thường không có dịch bệnh, nhưng đạt được là nhờ trong thời gian qua công ty đã mở rộng kênh bán hàng online, giới thiệu và tiếp thị sản phẩm vào nhiều khu dân cư trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
"Hơn thế nữa, việc xây dựng kênh bán hàng online cũng một phần dựa trên nền tảng khách hàng của kênh bán hàng offline đã giúp doanh nghiệp tăng số lượng khách hàng mới đáng kể trong thời gian gần đây.
Điển hình, thông qua mạng lưới khách hàng offline, công ty tiếp cận người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của họ và cứ theo chuỗi này từ từ vươn tới nhiều khách hàng tiềm năng hơn", anh Quốc Việt cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chị Châu Huỳnh, chủ cửa hàng rau củ, quả tại quận 3, Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, dịch COVID-19 tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, nên doanh thu của hoạt động thương mại sụt giảm là điều tất yếu, nhưng nhờ kênh bán hàng online mà cửa hàng duy trì được hoạt động ổn định.
Hiện tại, cửa hàng vẫn mở cửa đón khách hàng mua sắm trực tiếp và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời duy trì kênh bán hàng online như nhận đơn hàng qua điện thoại, website... bằng giải pháp tăng cường thông tin, hình ảnh, giá cả hàng hóa đến người tiêu dùng.
Không nằm ngoài cuộc đua cạnh tranh khốc liệt để giữ chân khách hàng, hầu hết nhà bán lẻ lớn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh mở cửa hoạt động trở lại bằng cách phủ sóng hàng loạt chương trình ưu đãi cho khác hàng; trong đó, những kênh bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada... không chỉ liên tục chạy luân phiên các chương trình ưu đãi dành cho nhiều nhóm ngành hàng mà bình quân mỗi tháng đều tổ chức một "bữa tiệc" giảm giá sốc cho khách hàng.
Song song với mức giảm giá lên đến 50% hay tặng kèm thêm quà tặng giá trị thì những kênh bán hàng online này còn tận dụng triệt để lợi thế của mình như miễn phí giao hàng, giao hàng trong 2 giờ hay giao hàng theo khung giờ yêu cầu của khác hàng.
Trong thời gian qua, một số kênh bán hàng online cũng liên tục mở rộng danh mục hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hoặc lấn sân sang những nhóm ngành hàng có sức mua cao trên thị trường như hoayeuthuơng, dalathasfarm... đã sớm tham gia bán lẻ rau củ, quả đa dạng combo có mức giá ưu đãi, thay gì chỉ kinh doanh hoa tươi như trước đây.
Trong khi đó, những thương hiệu bán lẻ có hệ thống điểm bán phủ sóng hầu hết địa bàn dân cư như Saigon Co.op, Satra, LOTTE Mart, Big C, MM Mega Market, Vinmart... vừa duy trì kênh bán hàng offline và online, vừa áp dụng song song chương trình khuyến mãi, giảm giá... cho khách hàng trên cả hai kênh kinh doanh này.
Do đó, dù người tiêu dùng mua sắm ở kênh kinh doanh nào thì đều được hưởng chính sách khách hàng và ưu đãi như nhau, nhất là các tiện ích không có sự chênh lệch đáng kể.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm trong giai đoạn chuyển tiếp từ giãn cách xã hội sang bình thường mới, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) đang nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại số lượng lớn cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods), siêu thị Satramart trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Hơn thế nữa, chuỗi cửa hàng Satrafoods trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh còn triển khai phương thức bán hàng online thông qua đa dạng ứng dụng công nghệ.
Riêng Satramart - siêu thị Sài Gòn, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh đã kết hợp Công ty cổ phần Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” của mình xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be, với dịch vụ giao hàng những combo được thiết kế sẵn. Ngoài bán hàng theo combo trên ứng dụng Be, Satramart – siêu thị Sài Gòn cũng bán những combo này trên ứng dụng G1 Mart.
Hiện tại, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) triển khai đợt khuyến mãi giảm giá cho hơn 11.000 nhu yếu phẩm và nhiều chương trình “siêu ưu đãi” khác.
Cụ thể, trong tháng 10/2021, Saigon Co.op thực hiện chương trình khuyến mãi lên đến mức 50%, tập trung vào ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc thời trang và nhóm đồ dùng nhà bếp.
Theo Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng, sau ngày 1/10/2021, hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op đã mở cửa trong khung giờ hoạt động bình thường theo quy định của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và phục vụ khách có "Thẻ xanh COVID-19" trên các ứng dụng hiện hành được cơ quản quản lý nhà nước công nhận.
Saigon Co.op cũng đang tăng cường đảm bảo mục tiêu điều tiết tốt lượng khách hàng đến mua sắm offline, thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship)... để sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân thành phố trong thời gian tới.
Liên quan đến tái mở cửa hoạt động thương mại, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, ngành ông thương Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh... về việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nhiều địa phương,phục vụ người dân phù hợp với bối cảnh từng bước nới lỏng giãn xã hội.
Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, xây dựng phương án phù hợp trong tổ chức hoạt động trở lại mạng lưới chợ truyền thống đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận