Chủ tịch Vinaconex nói gì về dòng tiền âm, dương?
Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vinaconex ngày 29/06 vừa qua có sự đồng thuận cao. Dù công luận khá ồn ào thông tin trước đó nhưng cuối cùng, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vinaconex ngày 29/06 vẫn diễn ra trong trật tự, chặt chẽ và tuân thủ quy định của pháp luật. Phần thảo luận, chỉ có 8 phiếu ý kiến từ cổ đông, ít hơn nhiều so với năm trước.
Có hai điểm khiến ĐHĐCĐ năm nay của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; HNX: VCG) được chú ý. Thứ nhất, đây là kỳ đại hội nhìn lại năm đầu tiên hoạt động với thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông, không còn cổ đông Nhà nước. Thứ hai, những xung đột và tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông lớn tại kỳ liền trước được chờ đợi có sự nối tiếp hay không.
Nhưng, như trên, tại VCG đã có sự đồng thuận cao hơn, khi những nội dung cốt lõi được HĐQT làm rõ khiến đa phần cổ đông rất hài lòng.
Trước thềm ĐHĐCĐ năm nay, băn khoăn được đặt ra: Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm gần 1,500 tỷ đồng. Điều này được cho là “bất ngờ”, đi cùng với quan ngại. Thế nhưng, qua lý giải của ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex, đây lại chính là điểm tiềm năng của Tổng công ty trong tương lai.Dòng tiền và báo cáo tài chính minh bạch bởi Big 4 kiểm toán
Trước hết, lãnh đạo Vinaconex khẳng định dòng tiền và các cân đối tài chính được xây dựng, báo cáo chính xác và minh bạch, qua kiểm định của công ty kiểm toán thuộc nhóm “Big4” kiểm toán và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Qua trả lời của ông Đào Ngọc Thanh, dòng tiền âm ở khía cạnh kỹ thuật còn phản ánh điểm tiềm năng trong tương lai. Vinaconex từng có những thời điểm dư và “dương” tiền lớn, gửi ngân hàng hoặc đi cho vay. Nhưng với đặc thù một doanh nghiệp lớn có các lõi đầu tư phát triển nhiều dự án lớn, dư và “dương tiền” như vậy chưa hẳn đã là tốt nhất, mà dòng tiền phải đi vào đầu tư để sinh lợi lớn hơn trong tương lai.
Chủ tịch Vinaconex giải thích cụ thể. Dòng tiền Vinaconex âm hay dương còn tùy thời điểm. Trong sản xuất kinh doanh và đầu tư, trước hết, dòng tiền phải đi để rồi trở lại cùng doanh thu và lợi nhuận. Năm 2019, dòng tiền của Tổng công ty âm là do đầu tư lớn, triển khai những dự án mới mà lãi chưa phát sinh khi đang ở giai đoạn đầu tư. Đặc biệt, năm 2019, có dự án đầu tư quy mô tới 600 tỷ đồng phải “xuống tiền” ngay.
Năm 2019 và năm nay, Vinaconex đứng trước nhiều cơ hội đầu tư lớn, hàng loạt dự án được giải trình chi tiết tại ĐHĐCĐ hoặc tại các tờ trình cụ thể. Đây cũng là xu hướng nổi bật trong các dòng chảy lớn của nền kinh tế năm nay: Hàng loạt đại công trình giao thông, sân bay, khu công nghiệp… đang gấp rút triển khai.
Trước xu hướng đó, một mặt đẩy mạnh đầu tư, mặt khác Vinaconex chủ động chuẩn bị trước thế và lực, qua phương án tăng vốn điều lệ mà ĐHĐCĐ đã thông qua, cũng như kế hoạch chuyển sàn sang HOSE để chuẩn bị trước một trong những điều kiện cần thiết khi gọi vốn, nhất là với vốn đầu tư nước ngoài gắn với chuẩn niêm yết.
Lợi ích và triển vọng rõ ràng
ĐHĐCĐ Vinaconex năm nay bớt “nóng”. Bên cạnh sự đồng thuận cao nói trên, những băn khoăn được giải tỏa còn do thực tế hiệu quả kinh doanh tốt lên và lợi ích của cổ đông được củng cố.
Năm 2019, năm đầu tiên hoạt động theo cơ cấu mới (không còn cổ đông Nhà nước), lợi nhuận sau thuế Tổng công ty đạt tới 123% năm 2018. Hầu hết công ty thành viên có kết quả kinh doanh tốt; có 4 công ty đã đạt doanh thu trên 1,000 tỷ đồng…
Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng với những khó khăn và thách thức lớn; bước đầu thể hiện ở doanh thu và lợi nhuận Vinaconex giảm trong quý 1. Thế nhưng, Tổng công ty vẫn tự tin đặt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận, cũng như đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông trong năm 2020.
Cụ thể, năm 2020, mặc dù đặt ra mức doanh thu giảm nhẹ, nhưng Vinaconex đặt kế hoạch tăng lợi nhuận, trong đó riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 10%. Doanh thu dự kiến giảm nhẹ nhưng lợi nhuận tăng, đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid-19 còn kéo dài, cho thấy chất lượng hoạt động được nâng lên. Và cụ thể hóa lợi ích cổ đông ở đây, mục tiêu chi trả cổ tức được đề ra gấp đôi năm 2019, lên 12%.
Tại đại hội vừa qua, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex cũng nhấn mạnh chính vì lợi ích cổ đông được đảm bảo, trong toàn hệ thống cũng như trong HĐQT đoàn kết và cởi mở hơn. Đây cũng là yếu tố để góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, hay như ông Thanh nói một cách đời thường là “để ra tiền”.
Các chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức năm 2020 nói trên gợi mở triển vọng tiếp tục khả quan, tốt hơn nữa tại Vinaconex. Triển vọng này cũng chính là sợi dây kết nối đồng thuận các cổ đông, góp phần lý giải ĐHĐCĐ năm nay đã bớt “nóng”.
Theo thông tin đưa ra tại đại hội, Vinaconex đang đứng trước nhiều cơ hội lớn.
Cụ thể, Vinaconex đã được sơ tuyển đấu thầu vào 5 dự án lớn trọng điểm quốc gia; có tham vọng góp mặt ở các dự án sân bay mà Chính phủ đang thúc đẩy tiến độ; hay thực tế hàng loạt dự án bất động sản, khu công nghiệp trải rộng trên cả nước được báo cáo chi tiết đến cổ đông…
Đó cũng là lý do ĐHĐCĐ năm nay Vinaconex lên phương án tăng mạnh vốn điều lệ để chủ động nguồn lực hiện thực hóa triển vọng. Cùng đó, các cổ đông đã có đồng thuận cao, đoan kết hơn, cùng nhịp và cùng hướng chèo để nắm bắt cơ hội. Sự đồng thuận đó thể hiện rõ khi 100% các nội dung tờ trình được ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua.
Việc còn lại là nhanh chóng triển khai những nội dung đó hiệu quả. Thay mặt HĐQT, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh tại đại hội: Thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng Ban lãnh đạo sẽ cố gắng cao nhất, cũng như mong muốn sớm xử lý dứt điểm một số vấn đề trong năm nay để Vinaconex đón một cái Tết thực sự sung túc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận