menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Liên

Chủ tịch Vietravel: “Vừa đi vừa mò thì doanh nghiệp rất khổ”

Với bài toán trong vòng 3 tuần phải tiêu hết 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng, Chủ tịch Vietravel mong chính sách phải đi trước, đúng và trúng để doanh nghiệp đỡ khổ.

Chia sẻ tại toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” sáng 13/12, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel nêu ra những vướng mắc về nguồn vốn mà doanh nghiệp mong được tháo gỡ, trong đó có doanh nghiệp ngành du lịch.

Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp là tế bào của xã hội nhưng đang rất khó khăn. Ông Kỳ cũng nhắc lại câu chuyện ngồi cùng một doanh nghiệp có 5.000 công nhân nhưng lại đang đứt đơn hàng từ tháng 7 và hiện không tìm được nguồn hàng.

“Tôi không kêu cho tôi, không kêu cho Vietravel. Nhưng điều tôi trăn trở, băn khoăn là thiết kế chính sách đã kịp chưa, đúng chưa, nhanh chưa”, ông Kỳ nói.

Vị Chủ tịch Vietravel cũng đặt câu hỏi về tình hình giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2%. “Số lượng doanh nghiệp được hưởng, giải ngân được bao nhiêu?”, ông nói và cho rằng cần xem lại việc thiết kế chính sách cho phù hợp.

“Bản chất câu chuyện, chúng ta phải đồng hành cùng doanh nghiệp bởi đang có sự lệch pha và chúng ta không bước được cùng nhau thì lực lượng doanh nghiệp này không biết như thế nào? Muốn đi xa phải đi cùng nhau mà Vietravel chỉ là một phần nhỏ, một tế bào”, ông Kỳ chia sẻ.

Tiếp tục lấy dẫn chứng, ông Kỳ nhắc lại câu chuyện mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản chia sẻ với ông. “Bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp và trụ cột của nền kinh tế, đóng góp rất nhiều. Có mặt tốt và chưa tốt, mặt chưa tốt thì cần uốn nắn. Còn giờ tất cả đều khó”, ông nói.

Ông nói thêm: “Tôi chia sẻ là để muốn nói rằng doanh nghiệp rất tắc. 3 kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, may quá còn vốn tín dụng. Trái phiếu lại đang khủng hoảng niềm tin. Vì vậy, chúng tôi cần chính sách thiết kế cho kênh này thông thoáng hơn”.

Chủ tịch Vietravel nói rằng, bản thân rất chia sẻ với các ngân hàng thương mại vì phải tuân thủ các quy định để bảo đảm an toàn cho hệ thống. Song, ông đặt ra câu hỏi về sự khác biệt trong chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thiết kế trước và sau dịch.

“Chúng tôi mong Chính phủ chỉ ra sự khác biệt đó. Nếu trước và sau dịch tiêu chuẩn cho vay như nhau, phải chăng đại dịch là vô nghĩa, sự suy sụp đình trệ của doanh nghiệp chỉ là nhất thời?”, ông nói và đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sắp xếp lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và có định chế cho các ngân hàng thực hiện.

Theo ông Kỳ, chính sách thì phải kịp thời, cụ thể và đặc biệt, chính sách phải đi trước đón đầu. “Chính sách là phải đi trước nhưng thực tế lại đang đi sau, vừa đi vừa mò thì doanh nghiệp rất khổ”, ông bày tỏ.

Với bài toán trong vòng 3 tuần của tháng cuối năm 2022 phải tiêu thụ hết gần 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng, Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ mong “chính sách đi trước và phải nhanh” để các định chế, trong đó có tài chính và ngân hàng đi theo.

“Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần oxy. Tài chính là oxy mà chia nhau thế này thì doanh nghiệp không thể khoẻ được. Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có”, ông Kỳ nói và gửi gắm Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ thiết kế chính sách cho 2 nhóm ngành này.

Chủ tịch Vietravel: “Vừa đi vừa mò thì doanh nghiệp rất khổ”
​TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc phân bổ vốn tín dụng sẽ phục vụ theo nguyên tắc ai có nhu cầu thì phục vụ trước.

Trước chia sẻ của Chủ tịch Vietravel, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết - ngành du lịch khi có hạn mức tín dụng đương nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ có định hướng. Nhưng nguyên tắc là ai có nhu cầu trước phục vụ trước. “Đây là vấn đề luân chuyển vốn cho nền kinh tế”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, với dự án khả thi, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các nguồn vốn, từ vốn ngân hàng và các kênh khác và cái chính là cần công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn về quản lý, kiểm soát rủi ro, vì một số doanh nghiệp ít quan tâm tới quản lý rủi ro, nên khi xảy ra thì “giật mình và rất bị động” như rủi ro về tỉ giá, lãi suất, dòng tiền.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp nên hạn chế dùng đòn bẩy tài chính vì các doanh nghiệp thường lựa chọn phương thức này quá nhiều và đầu tư dàn trải. Ông Lực cũng gợi ý cho Chủ tịch Vietravel nên có một diễn đàn về phát triển du lịch cùng bàn liên quan đến vốn, sản phẩm, nhu cầu thị trường….

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại