Chủ tịch Techcombank: "Chia cổ tức, tôi chưa nhìn thấy có lợi gì cho ngân hàng và cổ đông"
Chia cổ tức bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu giảm tương ứng, cổ đông 'gánh' 5% thuế thu nhập. Cũng là cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho rằng, ông chưa nhìn thấy có lợi gì cho ngân hàng và cổ đông.
Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (ĐHĐCĐ).
Mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm 2022, nhiều khách hàng chờ được vay vốn của Techcombank
Tại ĐHĐCĐ, ông Jens Lottner - CEO Techcombank cho biết, Techcombank mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 16,2% so với năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận này được đặt ra trên cơ sở hạn mức tín dụng tăng 15% hoặc hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, dự kiến đạt tối thiểu 446.554 tỷ đồng vào cuối năm.
"Hạn mức tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu còn tùy thuộc vào sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, còn 15% là mức kế hoạch của chúng tôi", CEO Techcombank nhấn mạnh và cho biết thêm: Nhiều khách hàng đang chờ vay vốn của Techcombank nhưng chúng tôi vẫn đang chờ quyết định của Ngân hàng nhà nước về cấp room tín dụng cho Techcombank
Ông Jens Lottner - CEO Techcombank. (Ảnh: LT)
Thực tế cho thấy, Techcombank thường đặt mục tiêu khiêm tốn so với khả năng thực hiện. Chẳng hạn, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 9% song thực tế tăng hơn 22%.
Về lợi nhuận, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 19.800 tỷ đồng, tăng 17,1% song thực tế lợi nhuận đạt hơn 23.238 tỷ đồng, tăng 47,1%.
Về huy động vốn, Techcombank cho biết sẽ quản lý phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn vốn huy động. Về nợ xấu, ngân hàng đặt mục tiêu kiểu soát nợ xấu ở mức dưới 1,5% tổng dư nợ năm nay.
Trước câu hỏi của cổ đông về nếu tăng trưởng tín dụng năm 2022 bằng với năm 2021 (khoảng 20%), lợi nhuận của Techcombank sẽ thay đổi thế nào? Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, tăng trưởng tín dụng không tác động quá nhiều tới lợi nhuận của ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng năm nay thường sẽ tác động mạnh hơn vào lợi nhuận của năm tiếp theo.
Ông Jens Lottner chia sẻ thêm, năm 2025, Techcombank muốn lọt top 10 ngân hàng tốt nhất ASEAN. Không chỉ dẫn đầu ở Việt nam mà còn trong khu vực. Năm 2021, ngân hàng đã khởi động chiến lược 5 năm. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị vốn hóa TCB sẽ đạt 20 tỷ USD, CASA 55%,…
Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà ngân hàng đang làm tốt, chẳng hạn phân khúc dành cho khách hàng thu nhập cao, thu nhập khá. Techcombank cũng sẽ phát triển hệ sinh thái giúp đa dạng hóa thu nhập, tối ưu hóa tiềm năng tăng tưởng của Techcombank.
Quỹ lợi nhuận lên tới 40.000 tỷ đồng, Techcombank không chia cổ tức
Về kế hoạch trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2021, lãnh đạo Techcombank cho biết, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của ngân hàng hiện lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, HĐQT Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Sau giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay sẽ bao gồm lao động nước ngoài, dẫn tới sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Do đó, Techcombank đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% lên 22,4595%.
Kết quả kinh doanh "đẹp như mơ", tại sao không chia cổ tức?
Trong phần trao đổi tại ĐHĐCĐ, nhiều cổ đông cũng đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng về việc Techcombank tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông trong khi kết quả kinh doanh của ngân hàng "đẹp như mơ".
"Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã "chốt" chia cổ tức cho cổ đông, còn Techcombank vẫn "xin" giữ lại cổ tức để tăng tiềm lực. Vậy, không biết Techcombank muốn "mơ" đến đâu, tăng là tăng cái gì và tăng như thế nào nữa? Trong giấc mơ của Techcombank có nghĩ đến lợi ích của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ không?"- cổ đông chất vấn.
Với lợi nhuận giữ lại chưa phân bổ lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, cổ đông cho rằng, Techcombank nên chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn để mở rộng dư địa tăng trưởng trong tương lai. Suốt 11 năm qua (tính cả năm nay), năm 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE.
Thậm chí có cổ đông còn dẫn chứng, xu hướng 2020-2021 là chia cổ tức bằng cổ phiếu, như VPBank chia luôn 80% năm 2021 và năm nay chia tiếp 50%, thậm chí còn phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ tăng vốn điều lệ lên lớn nhất ngân hàng, thậm chí vượt các ngân hàng quốc doanh.
"Nếu chúng ta chia cổ tức bằng cổ phiếu thì chúng ta vẫn giữ lại lợi nhuận, tại sao chúng ta không làm? Vốn điều lệ càng lớn thì uy tín càng lớn. Nếu chia thì vốn điều lệ của chúng ta cũng sẽ không thua VPBank. Thương hiệu của chúng ta cũng nổi bật hơn", vị cổ đông này đặt câu hỏi.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. (Ảnh: LT)
Trả lời những khúc mắc của các cổ đông, Chủ tịch Hồ Hùng Anh thừa nhận, có nhiều luồng ý kiến về việc chia cổ tức, một bên muốn chia cổ tức bằng tiền mặt, một bên muốn chia để tăng vốn. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hùng Anh chia hay không chia phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngân hàng. Nếu thấy cần thiết, HĐQT Techcombank sẽ tính đến các phương án, kể cả chia cổ tức tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài,...
"Hiện chỉ số ROE (ty suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) ở mức 20%. Tôi cũng là một cổ đông như các anh chị, lợi nhuận hơn 20%, đó là lợi nhuận rất tốt. Tôi không biết anh chị đầu tư gì ngoài có gì lợi nhuận hơn 20% không thì tôi không rõ. Chúng tôi đi theo quan điểm hơi bảo thủ nhưng rõ ràng và minh bạch. Tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông. Quan trọng là phát triển bền vững. Cổ phiếu không lên được nhưng giá cổ phiếu có sức bền tốt. Cả thị trường hiểu đó là giá trị thật"- ông Hùng Anh nói.
Chủ tịch Techcombank lý giải thêm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh.
Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh doanh của ngân hàng. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết.
"Trước đây chia cổ tức bằng cổ phiếu chúng ta đã làm rồi, vào năm 2018. Khi chia cổ tức, cổ phiếu giảm tương ứng, cổ đông còn phải chịu 5% thuế thu nhập khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Cá nhân tôi chưa nhìn thấy có lợi gì cho ngân hàng và cổ đông", ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch này, điều mà ngân hàng quan tâm, phải suy nghĩ là làm thế nào để giá thị trường định giá đúng về ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận