Chủ tịch MWG: 'Chuỗi EraBlue đang vượt trên mong đợi của cá nhân tôi'
Sau sự thất bại của chuỗi Bluetronics tại Campuchia, ban lãnh đạo MWG kỳ vọng chuỗi điện máy tại Indonesia sẽ sớm “mang tiền về cho mẹ”.
Tại cuộc họp nhà đầu tư quý 1/2024 vừa qua, ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã có những chia sẻ về khoản lỗ hơn 20 tỷ đồng (quý 1/2024) từ công ty liên doanh PT Era Blu Elektronik (EraBlue) - đơn vị vận hành chuỗi điện máy tại Indonesia. Theo ông Hiểu Em, mức lỗ này nằm trong kế hoạch, và dự kiến EraBlue sẽ đạt được điểm hòa vốn, thậm chí có lãi từ quý 4/2024.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG chia sẻ thêm: "Chuỗi EraBlue đang vượt trên mong đợi của cá nhân tôi. Indonesia là thị trường có những khó khăn riêng song ban lãnh đạo và nhân sự phụ trách EraBlue đã làm tốt. Tôi kỳ vọng trễ nhất trong quý 4 sẽ đạt được điểm hòa vốn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của chuỗi điện máy này trong năm nay".
EraBlue là thử nghiệm mới tại thị trường nước ngoài của MWG từ cuối năm 2022 với số vốn ban đầu 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần. Đây là liên doanh giữa MWG và Công ty PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya, nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia. EraBlue được xây dựng theo dạng chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia giống như mô hình Điện máy Xanh tại Việt Nam.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Tài cho biết mô hình mà công ty đang triển khai tại Indonesia là sự thay thế hoàn hảo cho mô hình cửa hàng truyền thống tại nước này. Tuy nhiên lần này, Thế giới Di động không vội “xưng tên vỗ ngực” mà tìm đối tác rất hiểu thị trường - một chuỗi bán điện thoại lớn. “Những thứ mình yếu kém thì họ mạnh mẽ và ngược lại, việc hợp tác giữa hai bên đã tạo nên thành công,” ông Tài nói tại đại hội.
Thực tế, EraBlue không phải là lần “xuất ngoại” đầu tiên của MWG. Công ty từng vận hành chuỗi Bluetronics tại Campuchia nhiều năm nhưng đã phải đóng cửa do thua lỗ.
MWG gia nhập thị trường Campuchia từ giữa năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh với tên gọi BigPhone. Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, công ty kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng/tháng.
Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế giới Di động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
Đầu năm 2023, MWG công bố sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics, do thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp.
Thực tế, từ năm 2017 đến khi đóng cửa, chưa khi nào Bluetronics mang tiền về cho MWG. Báo cáo tài chính quý 1/2024 của doanh nghiệp cho thấy, tổng lỗ lũy kế của Bluetronics là hơn 700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận