Chủ tịch một tập đoàn muốn trả nợ bằng xoong nồi: Ngỡ ngàng với hàng trăm bình luận sau đó
Mới đây, Tập đoàn Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy vừa đưa ra các phương án mới để cấn trừ nợ với nhà đầu tư, trong đó có đổi sang đồ gia dụng thu hút hàng trăm bình luận với nhiều quan điểm khác nhau.
Cụ thể, bốn phương án giảm nợ vừa được đại diện Egroup đưa ra gồm bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng. Ba phương án đầu chỉ thay đổi về nội dung, riêng gạt nợ (cấn trừ nợ) bằng thiết bị gia dụng là phương án mới xuất hiện.
Nếu chọn gạt nợ bằng thiết bị gia dụng, nhà đầu tư sẽ nhận lấy các sản phẩm của hãng Bells (Đức) như máy hút mùi, bếp điện, bồ nồi, máy rửa chén, khóa cửa điện tử... Các sản phẩm được cung cấp theo bốn gói (combo) với giá trị thấp nhất khoảng 36 triệu đồng và cao nhất hơn 90 triệu đồng.
Nhà đầu tư sẽ trả tiền hơn một nửa giá trị combo, phần còn lại sẽ được Egroup thanh toán, xem như hoán đổi nợ. Phương án này được áp dụng cho mọi nhà đầu tư, không phân biệt giá trị dư nợ với công ty.
Một phương án khác cũng được áp dụng với tất cả nhà đầu tư là gói học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ 6-15 tuổi. Gói này trị giá 7,8 triệu đồng một năm, nhà đầu tư trả một nửa, còn lại sẽ do Egroup quyết toán. Doanh nghiệp này đang đưa ra 100 suất.
Hai phương án còn lại dành cho các nhà đầu tư có dư nợ cao, chủ yếu tiếp tục triển khai cách hoán đổi nợ trước đó đã được đưa ra. Với gói tái cấu trúc, nhà đầu tư sẽ rót thêm tiền, ít nhất 100 triệu đồng, vào 10 trung tâm Apax Leaders/Apax English được Egroup chọn ra, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp này cam kết nhà đầu tư có thể lãi đến 300 triệu đồng sau quá trình tái cấu trúc. Đến nay, đã có 5 trung tâm hết hạn mức dành cho nhà đầu tư tham gia.
Với phương án bất động sản, Egroup đưa ra hai sản phẩm gồm đất nền và biệt thự. Trong đó, 25 lô đất nền tại Bắc Giang nằm tại các huyện Huê Vận, Tân Sơn, Đồi Gai, Nhã Nam và Thúy Cầu. Diện tích các lô đất dao động từ 45-775 m2 và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá trị được phía ông Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra từ 680 triệu đến 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ tỷ lệ gạt nợ tương ứng, nhà đầu tư cần bỏ thêm 58-70% giá trị được quy định để sở hữu.
Dòng sản phẩm gạt nợ còn lại là 12 căn biệt thự được hoàn thiện thô tại dự án Wynham SkyLake Resort & Golf Club (Chương Mỹ, Hà Nội). Diện tích mỗi căn là 200 m2, giá trị từ 12,6-12,9 tỷ đồng. Tỷ lệ gạt nợ được đưa ra là 43% và không quá 5,3 tỷ đồng mỗi căn, còn lại nhà đầu tư phải rót thêm tiền.
Phía Egroup không đề cập phương án hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư không đồng ý hoán đổi nợ theo bốn phương án kể trên. Tuy nhiên trong thông báo mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thủy tiếp tục xin lùi thời gian thanh toán các phần gốc và lãi. Công ty quyết tập trung toàn bộ dòng tiền vực dậy hoạt động kinh doanh. Dù đã mở cửa 33 trung tâm, chuỗi dạy tiếng Anh này vẫn "cần rất nhiều chi phí" để mở lại các trung tâm còn lại, từ đó đảm bảo ổn định dòng tiền để trả lại các nhà đầu tư.
Với lý do tương tự, Apax Leaders cũng gửi thông báo đến phụ huynh mong nhận được sự thông cảm và ủng hộ. "Chúng tôi xin phép không giải quyết bất kỳ trường hợp rút phí đơn lẻ nào trong giai đoạn kiện toàn hệ thống", thông báo nêu rõ.
Hàng trăm nhà đầu tư vẫn đang bất bình yêu cầu Shark Thủy trả tiền đúng lộ trình
Thông tin sau khi được Egroup chia sẻ, đã thu hút hàng trăm bình luận với nhiều quan điểm trái ngược nhau.
Trên một diễn đàn về kinh tế, nhiều người sau khi nhận thông tin, đã bày tỏ quan điểm thất vọng và bất bình.
Tài khoản Hao Nguyen Văn bình luận: “Ôi Shark mà, một sự khác bọt không hề nhẹ”.
Tài khoản Cường.ACC bày tỏ thất vọng: “ Shark lại lùa gà tiếp hay sao mà bắt trả nửa tiền? Bị shark lừa 1 lần thôi chứ không thể có lần hai đâu nhé”.
Thẳng thắn hơn, tài khoản có tên A Dung cho rằng: “Đúng là cá mập, ông thông báo cấn trừ nợ theo giá bán có lợi nhuận vậy thì nhà đầu tư đang phải miễn cưỡng bỏ tiền đi mua hàng hoá của ông, tiếp tục để ông lợi đơn lợi kép rồi”...
Bên cạnh đó, một số tài khoản khác để lại ý kiến hài hước mà không kém phần bất bình: -“Khó thế cũng nghĩ ra đc. Dù có lựa chọn phương án nào thì nhà đầu tư vẫn phải bỏ thêm tiền, ai ngu gì chứ. Nếu tử tế, ông gán nợ bằng giá trị mua vào (có chứng từ chứng minh), may ra sẽ nhận được sự chia sẻ và chấp nhận”.
-“Người bán đồ chuyên nghiệp nói bã họng, khuyến mãi giảm giá các kiểu chưa chắc có khách mua, vậy mà ông dùng chiêu nợ không có tiền trả, dùng hàng, đất thay nợ với giá trên trời. Nhà đầu tư thích thì lấy không thích thì thôi, không có tiền làm gì nhau,... Vỡ nợ mà học ông này, mang tài sản, hàng hóa ra bán (gán) trừ nợ với giá trên trời như vậy thì ai cũng muốn vỡ nợ, khỏi phải cất công đi tìm khách hàng.
- “Rồi mai mốt mang nồi, chảo, bếp điện ra mà đóng học phí cho trung tâm của Shark, khỏi cần dùng tiền nữa”.
- Vậy lấy nồi ra trả tiền ngân hàng được không ta?
Một số ý kiến khác thì cho rằng đây là thái độ coi thường nhà đầu tư và bất chấp luật pháp. “Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Những kiểu cách làm ăn như vậy nên tẩy chay và có chế tài thích đáng”…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường