Chủ tịch Fed: Biến thể Omicron có thể làm chậm phục hồi kinh tế Mỹ
Theo Chủ tịch Fed, biến thể Omicron của virus SAR-CoV-2 có thể làm chậm sự phục hồi của kinh tế và thị trường lao động Mỹ, đồng thời làm gia tăng sự không chắc chắn liên quan đến lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome PowellPowell đã nhiều lần khẳng định lập trường rằng, tỷ lệ lạm phát tăng đột biến gần đây sẽ chỉ là tạm thời, song ông thừa nhận rằng các yếu tố đẩy giá cả tại Mỹ tăng cao sẽ "kéo dài sang năm tới".
Những bình luận trên được gửi đến Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 30/11, cho thấy Chủ tịch Fed đang ngày càng lo ngại về việc tăng giá hàng hóa trong năm nay, gây áp lực lên ngân hàng này trong việc đẩy sớm lộ trình tăng lãi suất.
Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0% trong những ngày đầu của đại dịch và khiến hệ thống tài chính "ngập" trong thanh khoản, điều này cùng với các gói viện trợ quy mô lớn của chính phủ đã giúp ngăn chặn Mỹ chìm sâu vào cuộc suy thoái kinh tế.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững mạnh, sự trỗi dậy của đại dịch COVID-19 đã kéo lùi đà phục hồi, bắt đầu với sự xuất hiện của biến thể Delta trong mùa Hè năm nay.
Biến chủng mới nhất Omicron, lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi, đã khiến các giới chức y tế quan ngại và tác động tới các chính sách toàn cầu khi gây ra các cuộc tranh luận để xác định xem Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn hay gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn hay không và liệu các loại vaccine hiện tại có hiệu quả trong việc phòng ngừa biến chủng này hay không.
Ông Powell nhấn mạnh, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 thời gian gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra những rủi ro đối với thị trường việc làm và hoạt động kinh tế, đồng thời gia tăng sự không chắc chắn đối với lạm phát.
Theo Chủ tịch Fed, những lo ngại ngày càng gia tăng về đại dịch có thể làm giảm mức độ sẵn sàng làm việc trực tiếp của mọi người, điều này sẽ làm chậm tiến độ phát triển của thị trường lao động và làm trầm trọng hơn nữa sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Những vấn đề toàn cầu đã gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều loại hàng hóa, trong khi nhu cầu bị dồn nén cũng góp phần làm giá cả bùng nổ. Ông Powell lưu ý rằng, lạm phát đang tăng vượt mức mục tiêu 2% của Fed, với mức tăng 5% trong 12 tháng tính đến tháng Mười.
Mặc dù Fed vẫn kỳ vọng rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm tới khi tình trạng mất cân bằng cung và cầu giảm bớt, song ông Powell thừa nhận xu hướng này là "khó dự đoán".
Ông cho rằng, giá cả tăng cao đang ảnh hưởng mạnh đến "những người dễ bị tổn thương nhất". Người đứng đầu Fed cam kết sẽ hành động để hỗ trợ sự phục hồi và ngăn chặn lạm phát cao hơn.
Fed đã bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích được đưa ra để giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi những ảnh hưởng của đại dịch, nhưng ông Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất cho vay.
Nhiều quan chức Fed đã báo hiệu lãi suất của ngân hàng này có thể được nâng lên vào giữa năm 2022. Thậm chí một số nhà kinh tế tư nhân đang dự đoán Fed sẽ thực hiện tăng lãi suất ba lần trong năm tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người sẽ điều trần trước Thượng viện cùng với ông Powell vào cùng ngày, cho biết sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng hướng, với việc tạo ra trung bình 500.000 việc làm mỗi tháng kể từ đầu năm nay. Tuy vậy, bà Yellen cảnh báo các nhà lập pháp của Chính phủ Mỹ rằng việc không nâng mức trần nợ công của Mỹ sẽ làm suy yếu tiến độ phục hồi đó.
Đầu tháng này, Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ "hết tiền" vào ngày 15/12 tới nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận