Chủ tịch Alphanam Group chia sẻ chuyện chuyển giao quyền lực
Lần đầu tiên sau gần 5 năm lui về “ở ẩn”, ông Nguyễn Tuấn Hải mới chính thức chia sẻ với báo giới về Alphanam Group, đặc biệt là câu chuyện đào tạo và chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận.
"Ðiều ý nghĩa nhất đời tôi là tạo nên sự nối tiếp"
Câu chuyện với vị doanh nhân kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, bắt đầu vào đúng 12 giờ trưa tại “đại bản doanh” của Tập đoàn: số 33 Bà Triệu - Hà Nội.
Ngay trước đó, ông Hải đã thay mặt đoàn chủ tọa trình bày trước Ðại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Ðầu tư Alphanam (ALP) về tờ trình giải thể Công ty. Năm năm trước, sau gần hai năm chuẩn bị và xin ý kiến cổ đông, ALP đã chính thức rời sàn HOSE sau 7 năm lên niêm yết. Từng là một trong những cổ phiếu tạo sóng vào thời điểm mới lên sàn 2007, nhưng cũng như rất nhiều doanh nghiệp đầu tư tài chính ở thời điểm đó, ALP không tránh được ảnh hưởng nặng nề của cơn bão khủng hoảng tài chính.
Ông Hải chia sẻ: "Kế hoạch niêm yết ALP là để đáp ứng mong muốn của các cổ đông, đồng thời cũng phục vụ mục tiêu gọi vốn cho các thương vụ M&A nhằm mở rộng hoạt động của Công ty từ cơ điện, sản xuất công nghiệp sang các lĩnh vực đầu tư khác. Nhưng người tính không bằng trời tính, Ban lãnh đạo phải đi tới quyết định hủy niêm yết ALP”.
Thế nhưng, theo ông Hải, phía sau động thái tưởng như bước lùi vào thời điểm ấy là một sự chuẩn bị có tính toán cho việc phát triển dài hơi hơn, lên một tầm cao mới của Alphanam Group với sự trợ giúp của hai người con vừa trở về sau nhiều năm học tập, tu nghiệp ở nước ngoài.
Ông Hải kể, thời điểm đó, Nguyễn Minh Nhật, Nguyễn Ngọc Mỹ còn rất trẻ và vẫn tương đối xa lạ với môi trường kinh doanh của Việt Nam, thậm chí cả hoạt động kinh doanh của Alphanam Group, nhưng nhìn vào sự tự tin, ý chí cầu tiến, phong cách làm việc luôn tập trung tối đa cho mục tiêu của hai con, ông tin đó là tiền đề để giải quyết bài toán mở rộng Công ty mà không phụ thuộc vào nhà sáng lập. Và quyết định chuyển giao kinh doanh cho thế hệ sau được khởi động một cách đầy tự tin. Alphanam từ đó thay vì phát triển đa ngành đã đẩy mạnh thoái vốn ở các lĩnh vực không còn thế mạnh, dồn toàn lực vào các lĩnh vực vừa mới vừa cũ như bất động sản, khách sạn đến từ sự tư vấn trực tiếp của hai người con ông.
Thời điểm đó, dù thua lỗ nhưng Công ty vẫn có tiềm lực thực sự khi sở hữu tài sản rất lớn, trong đó phần nhiều là đất đai. Quá trình đầu tư tài chính đã giúp ALP thông qua M&A, mua lại nhiều doanh nghiệp trên sàn và tích lũy được quỹ đất lên tới hàng nghìn héc-ta tại các vị trí đẹp ở nhiều thành phố lớn. Vì thế, nhiều người cho rằng, đây là một trong những thuận lợi quan trọng giúp quá trình chuyển giao quyền lực, thay đổi chiến lược từ nhà đầu tư, đầu cơ mua đất đai thành nhà phát triển dự án bất động sản.
Tuy nhiên, không điều gì dễ dàng đến vậy. "Có người cho rằng con gia đình kinh doanh làm gì chẳng dễ. Nhưng nếu nhìn thấy khối lượng công việc hàng ngày thế hệ trẻ phải giải quyết khi vận hành công ty hàng ngàn tỷ đồng, điều hành hàng ngàn con người chắc chắn sẽ không còn nghĩ như vậy", ông Hải nói và cho biết mình không phải là mẫu người “cầm tay chỉ việc” cho các con.
Ðể chuẩn bị cho quá trình kế nghiệp, ông đã cho các con theo chân trong nhiều chuyến công tác tới các tỉnh thành, thậm chí gặp gỡ đối tác nước ngoài, thăm nhà máy và tìm hiểu thị trường từ rất sớm. Sinh ra trong gia đình làm nghề giáo, ông Hải học được cách dạy con từ bố mình, đó là sự nghiêm khắc nhưng rõ ràng trong mọi vấn đề và tạo cơ hội để các con chủ động mọi việc, tự hoàn thiện mình, từ kiến thức chuyên môn cho tới các va chạm cuộc sống. Ðặc biệt, điều quan trọng nhất là ông đã truyền lại cho các con của mình tinh thần: "Khi gặp khó khăn không lùi bước, kiên quyết không bỏ cuộc".
Sự tích lũy đáng giá về tài sản hay đất đai, chính là những giá trị cộng hưởng, được chuyển giao giữa hai thế hệ, là điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo trẻ của Alphanam Group phát triển những hướng đi vững chắc và bài bản trên thương trường.
"Ðiều quan trọng của một mô hình công ty gia đình thành công không phải kiếm được bao nhiêu tiền hay để lại được cái gì cho đời, mà đi xa đến đâu và làm như thế nào để có thể có được điều đó. Tôi tự hào khi đã đào tạo được một thế hệ nối tiếp bản lĩnh, tự tin, thông minh, đam mê, quyết tâm nhưng cũng không kém phần "lỳ đòn" - ông Hải nói.
Năm 2020 sẽ là một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Alphanam Group khi Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải chính thức thực hiện chuyển giao hoàn toàn quyền điều hành cho hai người con, đồng thời, Tập đoàn sẽ công bố chiến lược phát triển trong 25 năm tới.
Lùi lại cho một Alphanam táo bạo hơn
Hai dự án gây tiếng vang lớn nhất và có hiệu quả khai thác tốt nhất của Alphanam thời điểm này là Four Points by Sheraton Ðà Nẵng và Altara Suites Managed by Ri-Yaz cũng tại Ðà Nẵng. Ðây là những sản phẩm đầu tay do đích thân hai người con ông Hải trực tiếp triển khai, từ việc lên ý tưởng, đàm phán với đối tác ngoại, điều hành giám sát tới thời điểm đưa vào vận hành vào giữa năm 2018 vừa qua.
Suốt 5 năm qua, ông Hải đã “lùi” lại và giờ đây chủ yếu giữ vai trò cố vấn hai con thực hiện những kế hoạch đặt ra. Quyết định giải thể Công ty cổ phần Ðầu tư Alphanam sau 5 năm hủy niêm yết sẽ là bước thực hiện cuối cùng cho giai đoạn tái cấu trúc và định vị lại toàn bộ Alphanam Group trong một giai đoạn phát triển mới mà ông Hải chia sẻ "sẽ rất năng động và táo bạo" do nhóm F2 trực tiếp thực hiện. Theo đó, Alphanam Group sẽ trở thành một tập đoàn phát triển bất động sản chuyên nghiệp hàng đầu trên thị trường với các dòng sản phẩm cao cấp phục vụ cho nhóm khách hàng thượng lưu ngày một gia tăng tại Việt Nam cũng như hướng tới đối tượng khách nước ngoài. Bên cạnh đó, Alphanam sở hữu một chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế từ 3 - 5 sao dọc Bắc vào Nam.
“Alphanam của 25 năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của thế hệ F2 cũng sẽ là một tập đoàn hiện đại, mang nhiều tính quốc tế hơn khi sở hữu đội ngũ nhân sự đến từ nhiều nơi trên thế giới, với gần 20 quốc tịch khác nhau”, ông Hải hình dung về viễn cảnh của Công ty dưới thời của thế hệ kế cận.
Ði cùng với chiến lược phát triển đầy tham vọng này, ngoài hợp tác với Marriott International và InterContinental Hotels Group, Alphanam Group đã trực tiếp phát triển thành công một thương hiệu riêng cho mình mang tên Altara. Ðây cũng chính là thương hiệu gắn với dự án khu căn hộ cao cấp Altara Residences lần đầu tiên có mặt tại Quy Nhơn do tập đoàn này triển khai.
Ðứng trước câu chuyện chuyển giao, ban lãnh đạo mới đối mặt với một câu hỏi lớn, liệu thế hệ F2 của các doanh nghiệp gia đình như Alphanam Group đã sẵn sàng đối mặt với những thách thức từ bài toán quản trị mô hình công ty gia đình. Lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm tin cậy, nhưng nó cũng đặt ra thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp.
Tương lai của Alphanam Group có thể đi xa đến đâu sẽ cần thời gian trả lời, thế nhưng, điều ấn tượng nhất trong sau gần 2 tiếng đồng hồ trò chuyện với ông Hải là niềm tự hào khi các con mình đã có thể chia sẻ những chí hướng với ông, tiếp tục gánh vác trọng trách tại tập đoàn mà ông đã dành bao tâm huyết gây dựng.
Chat cùng doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải
So với thời ông bắt đầu gây dựng lên Alphanam Group, ông đánh giá như thế nào về thời điểm này khi các con tiếp nhận quyền điều hành từ tay ông?
Chắc chắn sẽ khó khăn, gian nan hơn và thử thách hơn. Thời tôi, nói là khởi nghiệp trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế lại thuận lợi hơn rất nhiều vì mọi thứ còn đơn sơ, vốn liếng chưa cần nhiều. Lúc đó, quy mô quản trị về nhân sự, tài chính đơn giản hơn.
Còn bây giờ, các dự án có quy mô lớn hơn, bài toán quản trị tài chính phức tạp hơn và đặc biệt là sự gắn kết của nhân viên chắc chắn không thể dài lâu được như thời kỳ trước. Vì thế, như tôi nói, Nhật và Mỹ chắc chắn sẽ phải lỳ đòn hơn, tinh nhanh hơn và biết nắm bắt biến động thời cuộc tốt hơn tôi.
Rất may, các con tôi đều rất quyết tâm và chịu khó, khi vào công việc luôn quyết tâm cao đến cùng.
Từng là nhà giáo, sau khi chuyển giao quyền điều hành, ông có nghĩ tới việc quay về với công việc dạy học?
Tôi cũng có nghĩ tới. Nhưng tôi cho rằng, nhiệm vụ còn quan trọng hơn cả với mình trong thời gian tới là phải suy nghĩ về câu chuyện thế hệ kế cận của Alphanam Group sau 25 năm nữa.
Như tôi đã nói, câu chuyện của Alphanam Group không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, để lại được cái gì cho đời mà đi được bao nhiêu lâu. Tôi đã tạo dựng được thế hệ F2, thì cũng sẽ phải tính tới câu chuyện của thế hệ F3 - đời cháu tôi.
Bài toán duy trì sự nghiệp luôn là bài toán lớn với mỗi doanh nghiệp gia đình, vì thế, điều cần làm là sẽ phải chuẩn bị những nền tảng tốt nhất ngay từ bây giờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận