Chống dịch tốt, kinh tế sẽ hồi phục rất mạnh
Chỉ cần có chiến lược ứng phó hợp lý với đại dịch, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn được đánh giá cao với hai động lực chính là xuất khẩu và đầu tư công.
Thuận lợi, thách thức đan xen
Phát biểu tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, nền kinh tế đã suy giảm nghiêm trọng trong quý III, tạo ra nhiều thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2021.
Cụ thể, GDP quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó hầu hết các lĩnh vực đều sụt giảm hoặc chỉ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III chỉ là 36,9 nghìn doanh nghiệp, giảm hơn 50,1% so với cùng năm trước. Tổng cầu cũng suy giảm mạnh, thể hiện qua doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý III giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, sức ép lạm phát lại có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, sự gia tăng mạnh của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics và phòng chống dịch bệnh, không sớm thì muộn, sẽ được chuyển vào giá tiêu dùng một khi tổng cầu hồi phục. Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa khiến nhiều loại nông sản không tiêu thụ được dù được mùa. Điều đó có thể khiến người nông dân thu hẹp sản xuất, trong khi lại đẩy giá thực phẩm có thể tăng cao vào dịp cuối năm.
“Kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý III kèm theo các hậu quả nặng nề mà phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Đặc biệt sự rời bỏ thành phố của người lao động có thể trở thành vấn đề lâu dài nếu không có những sách lược phù hợp”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề nội tại, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cũng chỉ ra một số rủi ro mới từ bên ngoài như khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã khiến cho các doanh nghiệp nước này gặp khó khăn, hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ngưng trệ. Từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào cho doanh nghiệp nước ta khi mà Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc. Theo tính toán, điều này có thể kéo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm khoảng 0,1% - 0,2% từ nay đến cuối năm và nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều điểm sáng. PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định là điểm tựa vững chắc để nền kinh tế có thể bứt phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng có xu hướng cải thiện rõ rệt khi mà đến hết 9 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 7,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới phụ thuộc lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch. Chỉ cần không “ngăn sông cấm chợ”, làm đứt gãy lưu thông hàng hóa, lao động thì triển vọng tăng trưởng vẫn tốt, với hai động lực chính là xuất khẩu và đầu tư công.
Tăng trưởng có thể đạt 2,5%
Báo cáo của VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2021. Trong đó với kịch bản xấu, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát, tình trạng “đóng - mở” lặp lại ở một số nơi, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an, chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. Khi đó GDP sẽ chỉ tăng 1,0% - 1,5%.
Còn với kịch bản tốt, cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại, GDP tăng từ 2,0% - 2,5%.
Đồng tình với dự báo của VEPR, TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo, tăng trưởng năm nay khả quan nhất là 2,5% và xấu hơn là 2,0%. Trong khi lạm phát cả năm vào khoảng 2,3% - 2,5%. Tuy nhiên năm 2022, lạm phát có thể sẽ tăng lên 3% - 3,5%, thậm chí nếu không kiểm soát tốt có thể lên 3,5% - 3,8%.
Để có thể tận dụng được tốt các cơ hội phục hồi kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đề nghị cần sớm triển khai một số giải pháp. Theo đó, các địa phương, nhất là các tỉnh thành phía Nam cần nhanh chóng tạo thuận lợi cho đi lại, lưu thông hàng hóa để đón đầu 3 sự kiện lớn là mùa mua sắm cuối năm; doanh nghiệp phục hồi sản xuất và học sinh, sinh viên quay trở lại trường học.
Đặc biệt các tỉnh thành cần thực hiện quyết liệt, nhất quán, linh hoạt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Cần trao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định, chịu trách nhiệm khi xảy ra lây lan dịch để họ lạc quan hơn, vững tin vào sự bền vững của quá trình sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, cần tập trung triển khai các biện pháp khai thác thị trường trong nước và nước ngoài; chủ động nguồn nguyên liệu; đẩy nhanh tiến trình bao phủ vaccine...
TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị cần triển khai nhanh hơn, mạnh mẽ hơn các gói hỗ trợ hiện có và nghiên cứu có thêm các gói hỗ trợ mới với quy mô ít nhất là 1% - 2% GDP tương đương với 80.000 - 160.000 tỷ đồng. Đồng thời có biện pháp để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh linh hoạt, thông suốt, ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp dịch vụ.
Riêng về chính sách tiền tệ, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, trong thời điểm hiện tại, sức ép lạm phát đã làm hạn chế dư địa của chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức rất thấp, khó có thể giảm sâu hơn. Vì vậy, vị chuyên gia này không khuyến nghị nới lỏng thêm tiền tệ, mà chính sách tiền tệ cần thận trọng, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận