Chọn Hiroshima, G7 gửi thông điệp gì tới Trung Quốc và Nga?
Theo các nhà quan sát, có một số hàm ý từ Thủ tướng Nhật Bản khi ông chọn thành phố Hiroshima - nơi đầu tiên hứng chịu vũ khí nguyên tử - làm nơi tổ chức G7 năm nay.
Hiroshima – nơi đầu tiên hứng chịu vũ khí hạt nhân trên thế giới – đã được chọn làm nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay. Có một số lý do cho thấy hàm ý của Thủ tướng Nhật Bản Kishida khi ông lựa chọn thành phố này trong bối cảnh G7 phải đối mặt với nhiều vấn đề "khó nhằn".
"Cảnh báo" Nga về vũ khí hạt nhân
Theo giới chuyên gia, đây là lời nhắc nhở về nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân đang tiềm ẩn trong chiến sự Nga- Ukraine.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida, việc chọn Hiroshima truyền đi một thông điệp rất rõ ràng – đó là sự cấp thiết phải kiểm soát vũ khí hạt nhân. Giải trừ vũ khí hạt nhân đã trở thành chủ đề chính trong hội nghị G7 năm nay, nhưng với đối tượng chính là Nga và Trung Quốc.
Hiện Nga có kho vũ khí hạt nhân gần 6.000 đầu đạn. Và nhiều nhà quan sát đang lo ngại những diễn biến khó lường trên chiến trường Ukraine có thể khiến Tổng thống Putin quyết định tấn công hạt nhân vào Ukraine.
Bằng cách lựa chọn Hiroshima, thông điệp G7 gửi tới Nga rất rõ ràng, đó là sự phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân dưới bất cứ hình thức và quy mô nào, và G7 sẽ đoàn kết trong vấn đề này để “trừng phạt” Nga nếu Moscow bước qua lằn ranh đỏ.
Hiroshima đã là bài học khủng khiếp cho nhân loại về hậu quả của vũ khí nguyên tử. Khoảng 70.000 người đã mất mạng ngay sau vụ nổ của quả bom hạt nhân có tên “Little Boy”. Hàng chục nghìn người khác cũng không thể vượt qua các vết bỏng và tác động của phóng xạ sau đó.
Nhưng các con số đó không làm giảm đi nguy cơ hạt nhân. Thế giới hiện có khoảng 12.500 đầu đạn hạt nhân, với nhiều trong số đó mạnh hơn quả “Little Boy” gấp nhiều lần. Các cường quốc mới nổi như Trung Quốc hay Iran vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân; trong khi Bắc Triều Tiên vừa thử một số vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân với tốc độ kỷ lục.
Hiroshima có vị trí rất gần Trung Quốc và Bắc Triều Tiên
Thông điệp an ninh gửi tới Bắc Kinh
Việc lựa chọn một thành phố chỉ cách Bắc Kinh khoảng 3 giờ bay cũng là một hàm ý khác của Nhật Bản, theo các chuyên gia.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề lớn của nhóm G7 năm nay. Câu hỏi hóc búa nhất là làm thế nào để Mỹ và đồng minh đoàn kết để đối phó với sự quyết liệt của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, từ tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh địa chính trị cho tới sự ủng hộ Nga trong xung đột với Ukraine.
Tại Hiroshima, tuyên bố chung của G7 và các thành viên mở rộng đã khiến Trung Quốc phải nóng mặt và đáp trả mạnh mẽ về ngoại giao. G7 kêu gọi Trung Quốc “không tiến hành các hoạt động can thiệp nhằm phá hoại an ninh và an toàn của các cộng đồng, sự toàn vẹn của các thể chế dân chủ và sự thịnh vượng kinh tế của chúng tôi".
Trong thập kỷ vừa qua, sự mở rộng năng lực quân sự liên tục của Bắc Kinh đã gây lo ngại lớn cho Mỹ và Nhật Bản, nước chủ nhà G7. Để tăng cường khả năng đối phó với sự quyết liệt của Bắc Kinh và Bắc Triều Tiên, Thủ tướng Kishida hồi tháng 12 đã cam kết tăng gấp đôi ngân sách quân sự của Tokyo – động thái lịch sử có thể biến Nhật Bản thành nước có ngân sách quân sự lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Với hàng chục nghìn binh sĩ Hoa Kỳ vẫn đang đóng quân tại các căn cứ tại Nhật Bản, Mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng cường đáng kể mối quan hệ đó. Tháng 1/2023, Mỹ tuyên bố thành lập thêm các đơn vị Thủy quân lục chiến mới để tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Khẳng định cá nhân của Thủ tướng Fumio Kishida
Ngoài các yếu tố trên, có thể thấy Thủ tướng Nhật Bản cũng muốn đưa ra khẳng định cá nhân với việc lựa chọn Hiroshima - nơi có nhiều kỉ niệm trong sự nghiệp chính trị của ông.
Ông Kishida Fumio tại Hạ viện sau khi được bầu năm 1993
Ít người biết rằng, nhà lãnh đạo Nhật Bản dù sinh ra ở Tokyo nhưng ông có gốc gác ở Hiroshima. Theo các nguồn thông tin, nhiều trong số họ hàng của ông là nạn nhân trong sự kiện năm 1945 và ông cũng lớn lên với cùng các câu chuyện về hậu quả của vũ khí nguyên tử. Đó có thể là lý do ông có nhiều gắn kết với thành phố này và vấn đề giải trừ hạt nhân.
Đầu tiên, có thể nói Hiroshima là nơi nâng bước sự nghiệp chính trị của ông. Khi mới bước vào chính trị, ông Fumio Kishida đã được bầu vào Hạ viện và đại diện cho quận 1 của TP. Hiroshima trong cuộc tổng tuyển cử năm 1993. Kể từ đây, ông đã thăng tiến đều đặn và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong chính phủ Nhật.
Trong thời gian ông Fumio Kishida làm Bộ trưởng Đặc trách Okinawa và Vùng lãnh thổ Bắc từ 2007, ông đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy hòa bình và giải giáp hạt nhân. Trong đó, Hiroshima là một trong những địa điểm được ông viếng thăm và thúc đẩy nhiều vấn đề.
Trong thời gian là lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Kishida cũng tham gia vào các sự kiện và sáng kiến liên quan đến các lễ kỷ niệm hòa bình của Hiroshima, nơi ông đã thể hiện cam kết của mình đối với việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân và theo đuổi hòa bình toàn cầu.
Trước Hội nghị G7, bản thân ông Fumio Kishida đã nhận xét: “Tôi chọn Hiroshima để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7 vì không có nơi nào tốt hơn để gửi một thông điệp khẩn cấp: rằng chúng ta phải làm mọi thứ để có thể tiếp tục 77 năm vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân kể từ vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận