Choáng ngợp trước Istana Nurul Iman – nơi ở của hoàng gia lớn nhất thế giới tại Brunei
Cung điện hoàng gia Istana Nurul Iman, nằm ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness là nơi ở lớn nhất thế giới của một nguyên thủ quốc gia.
Choáng ngợp trước Istana Nurul Iman – nơi ở của hoàng gia lớn nhất thế giới tại Brunei
Thật vậy, Istana Nurul Iman là cung điện, nơi ở của hoàng gia lớn nhất trên thế giới. Dinh thự hoàng gia đồ sộ này lớn hơn nhiều lần so với cung điện Versailles ở Pháp và cung điện Buckingham ở Anh. Đây là ngôi nhà chính thức của Hassanal Bolkiah, Quốc vương thứ 29 của Brunei.
Cung điện Istana Nurul Iman nằm bên bờ sông Brunei, là công trình đồ sộ màu trắng với mái vòm và tháp bằng vàng. Ngoài việc là cung điện lớn nhất thế giới, Istana Nurul Iman còn có ý nghĩa chính trị, là nơi diễn ra hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28.
Vào thế kỷ 19, James Brooke của Anh bất ngờ chấm dứt triều đại 500 năm của đế quốc Brunei. Brunei nằm dưới quyền cai trị của Anh từ những năm 1840 đến những năm 1980, sau đó là sự chiếm đóng của Nhật Bản, và cuối cùng là sự cai trị của Anh một lần nữa.
Khi nền độc lập đang đến gần vào cuối những năm 1970, Quốc vương Omar Ali Saifuddien III và con trai của ông, Quốc vương hiện tại, Hassanal Bolkiah, đã bắt đầu xây dựng một cung điện quốc gia nguy nga để mở ra một kỷ nguyên mới cho người Brunei.
Bolkiah đưa vào vận hành cung điện mới trị giá 1,5 tỷ USD vào năm 1981, khi Brunei vẫn còn là một quốc gia thuộc địa của Anh. Khi Brunei giành được độc lập từ Anh vào ngày 1 tháng 1 năm 1984, cung điện đã đi vào hoạt động. Bolkiah đặt tên cho lâu đài của mình là “Istana Nurul Iman”, có nghĩa là “Cung điện ánh sáng của niềm tin”, để mở ra một thời đại mới.
Istana Nurul Iman có diện tích 200.000 mét vuông và có 1.788 phòng, trong đó có 257 phòng tắm, phòng khách có thể chứa khoảng 4.000 người, phòng tiệc có sức chứa 5.000 người, 110 chỗ đậu xe, chuồng có máy lạnh cho 200 con ngựa polo, 5 bể bơi, máy bay trực thăng và một nhà thờ Hồi giáo tuyệt đẹp. Nhà thờ Hồi giáo trong cung điện có sức chứa 1.500 người. Nó cũng có 44 cầu thang được xây dựng bằng 38 loại đá cẩm thạch khác nhau.
Kiến trúc sư ngoại thất của cung điện là Leonardo V. Locsin, người đã cố gắng thống nhất truyền thống kiến trúc Hồi giáo và Mã Lai của Brunei trong thiết kế của Istana Nurul Iman. Người thiết kế nội thất là Khuan Chew, là người từng tham gia xây dựng tòa tháp Burj Al Arab ở Dubai.
Kiến trúc tổng thể của cung điện hoàng gia Istana Nurul Iman là sự pha trộn giữa kiến trúc châu Âu và kiến trúc truyền thống Mã Lai. Kiến trúc truyền thống lại được pha trộn với lối trang trí sang trọng cực kỳ hiện đại với đá cẩm thạch Ý, đá granit từ Thượng Hải, thủy tinh Anh và lụa Trung Quốc. Vàng và đá cẩm thạch là vật liệu trang trí chính của cung điện.
Choáng ngợp nhất là tất cả các căn phòng, đặc biệt là phòng làm việc của Quốc vương đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với thiết kế tinh xảo, làm từ các loại kim loại quý như vàng, bạc, kim cương. Hơn nữa, ngai vàng, các bộ bàn ghế dành cho vua tiếp khách quý cũng bằng vàng, cả những khung tranh, ảnh của vua, bát, ly nước cũng đúc bằng vàng nguyên khối.
Istana Nurul Iman ngoài là nơi ở chính thức của Quốc vương và gia đình, cũng là nơi đặt các văn phòng chính phủ cấp cao của đất nước. Cung điện chính là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Người dân Brunei tự hào về hoàng cung như là một địa điểm linh thiêng và cao quý. Cung điện không mở cửa cho công chúng vào tham quan, dịp duy nhất bạn có thể vào tham quan là lễ Hari Raya diễn ra trong 3 ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường