Cho vay margin quý 3: Sân chơi về tay khối CTCK nội
Sau giai đoạn mở rộng ở mảng cho vay margin, khối công ty chứng khoán (CTCK) ngoại có vẻ đang gặp khó. Các con số trên báo cáo tài chính quý 3/2021 cho thấy nút thắt trong việc mở rộng dư nợ cho vay ở nhóm này. Bên cạnh đó, nguồn thu từ mảng cho vay của khối ngoại có vẻ đang tăng trưởng chậm lại.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, tới cuối quý 3/2021, 61 CTCK có dư nợ cho vay lớn trên thị trường đạt tổng dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) hơn 154 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với quý trước đó. So với một năm trước, dư nợ cho vay gấp hơn 2 lần. Với kết quả này, dư nợ cho vay trên thị trường tiếp tục lập thêm kỷ lục mới.
Trong 2 năm trở lại đây, dư nợ cho vay của khối CTCK liên tục mở rộng.
Dư nợ cho vay của CTCK tại cuối mỗi quý từ năm 2018 tới nay
Đvt: Tỷ đồng
Top 20 CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất vào cuối quý 3/2021
Đvt: Tỷ đồng
Dư nợ margin của khối ngoại không tăng trưởng
Cuối quý 3 có tới 4 CTCK có dư nợ cho vay vượt mức 10,000 tỷ đồng là Chứng khoán SSI, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán VNDirect (VND). Trong đó, dư nợ cho vay của SSI dẫn dầu, ở mức 18.3 ngàn tỷ đồng.
So với cuối quý 2, dư nợ cho vay của SSI tăng hơn 13% trong khi dư nợ cho vay của Mirae Asset giảm nhẹ. Việc chạm giới hạn cho vay đã khiến Mirae Asset gặp khó trong việc mở rộng dư nợ. Tới cuối quý 3, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu (VCSH) của Mirae Asset ở mức 205%.
Bên cạnh đó, có thể thấy khối CTCK ngoại đang gặp khó trong việc gia tăng dư nợ margin. So với cuối quý trước, dư nợ cuối quý 3/2021 của Mirae Asset, Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) hầu như không tăng trưởng, thậm chí còn giảm nhẹ.
Trong các quý trước đà tăng mạnh của dư nợ cho vay đã khiến các CTCK chạm tới ngưỡng cản cho vay khi tỷ lệ dư nợ/ VCSH của nhiều công ty đã ngấp nghé mức 200%, trong đó có Mirae Asset.
Ở khối nội, làn sóng tăng vốn đã phần nào giải cơn khát margin cho thị trường. Một đại diện trong nhóm dẫn đầu dư nợ là VND đã tăng vốn điều lệ lên gấp đôi theo đó, tỷ lệ dư nợ/VCSH của CTCK cuối quý 3/2021 giảm mạnh so với quý trước đó (192% về còn 134%).
Chạm trần cho vay, hiện Mirae Asset cũng bắt đầu chạy đua tăng vốn. Trong tháng 10/2021, CTCK này đã phát hành cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn thêm 1,135 tỷ đồng.
Tỷ lệ dư nợ/VCSH của top 20 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất cuối quý 3/2021
Đvt: Tỷ đồng
Tăng trưởng lãi margin của khối CTCK nội áp đảo khối ngoại
Nhìn chung lãi cho vay tỷ lệ thuận với dư nợ margin của CTCK. Nghĩa là CTCK có dư nợ cho vay càng lớn thì lãi thu về càng lớn.
Với tình hình tích cực của thị trường và dư nợ cho vay lập kỷ lục mới, các CTCK cũng thu đậm từ hoạt động cho vay margin. Trong quý 3, lãi cho vay và phải thu của 61 CTCK đạt tổng hơn 3.9 ngàn tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ và tăng 18% so với quý liền trước.
Xét về kết quả lãi margin, khối nội đang chiếm ưu thế hơn trên sân chơi cho vay margin.
Top 20 CTCK có lãi cho vay và phải thu lớn nhất quý 3/2021
Đvt: Tỷ đồng
Trong quý 3, SSI, Chứng khoán TP.HCM (HCM), VND dẫn đầu về kết quả lãi cho vay và phải thu. Mức lãi của các công ty này đều tăng bằng lần so với cùng kỳ. So với quý trước, mức tăng cũng từ 15 - 30%.
Trong khi đó, tăng trưởng lãi cho vay và phải thu của các CTCK ngoại thấp hơn đáng kể. Mirae Asset chỉ tăng 41% so với cùng kỳ và 4% so với quý trước, KBSV tăng gần 70% so với cùng kỳ còn so với quý trước thì chưa tới 1%. Hay như Yuanta với mức lãi tăng 1.5% so với quý trước.
So sánh lãi cho vay và phải thu của khối CTCK nội và ngoại
Đvt: Tỷ đồng
Nội bộ nhóm ngoại cũng có sự phân hóa, một số CTCK ngoại vẫn ghi nhận mức tăng khá tốt so với cùng kỳ và quý trước như Chứng khứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), Chứng khoán NH (NHSV), Chứng khoán Pinetree, Chứng khoán Shinhan, Chứng khoán Funan. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thể so với khối CTCK nội.
Lãi cho vay và phải thu của một số CTCK ngoại
Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận