menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Lương

Cho vay cầm đồ: Đề xuất xem xét lại quy định về lãi, phí

Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, thị trường cho vay cầm đồ của Việt Nam rất tiềm năng nhưng cũng đang đứng trước những thách thức lớn từ khung pháp lý, những quy định cụ thể về lãi suất, các phí, cũng như căn cứ để thu hồi nợ.

Thị trường tiềm năng

Ra đời cách đây khoảng 3.000 năm, cầm đồ được xem là hình thức cho vay tài chính sớm nhất trong lịch sử. Ngày nay, hoạt động này đã phổ biến toàn cầu và được xếp vào loại hình dịch vụ tài chính vi mô. Ưu điểm của cho vay cầm đồ là thủ tục nhanh chóng, tài sản cầm cố đa dạng, số tiền vay được tuỳ thuộc giá trị tài sản.

Dịch vụ cho vay cầm đồ phát triển mạnh tại châu Á và Hoa Kỳ. Ở Mỹ, theo Coherent Market Insights Pvt. Ltd (3/2022), có hơn 12.000 cửa hiệu, doanh nghiệp cầm đồ, tập trung ở Texas (1.731 cơ sở), Florida (847 cơ sở) và Georgia (825 cơ sở).

Tại Ấn Độ, theo ông Gnanasekar Thiagarajan, Giám đốc Commtrendz Risk Management Services, một công ty tư vấn độc lập có trụ sở tại Mumbai, thì cửa hiệu cầm đồ dường như xuất hiện tại cuối mỗi con phố.

Ở Thái Lan, chỉ riêng ba “ông lớn” là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC) cũng đã có gần 10.000 phòng giao dịch, Ngern Tid Lor có hơn 1.000; Srisawad hơn 2.500 và Muang Thai Capital là hơn 6.000.

Tại Việt Nam, theo Bộ Công an, có khoảng 27.000 cơ sở cầm đồ đang hoạt động cho đến cuối năm 2022. Chưa có những con số chính thức về quy mô thị trường này. Tuy nhiên, hiện một số công ty lớn số dư nợ cho vay cũng đạt từ vài trăm đến 1.600 tỷ/một chuỗi. F88 hiện nay là công ty cầm đồ lớn nhất với chuỗi cửa hàng khoảng 830 cửa hàng, dư nợ của công ty này đến cuối năm 2022 cũng lên tới 1.683 tỷ đồng.

Theo thống kê của viện Nghiên cứu và phát triển BIDV, cơ cấu dư nợ tín dụng tại Việt Nam đến cuối tháng 6/2022: Các tổ chức tài chính khác (gồm cho vay tiêu dùng) đang chiếm khoảng 11,7%/tổng dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng. So với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, các tổ chức tài chính khác (ngoài ngân hàng và công ty tài chính được ngân hàng nhà nước cấp phép) đang cung cấp khoảng gần 300.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Về sức phát triển của thị trường tài chính cầm đồ, theo Coherent Market Insights Pvt. Ltd., ước tính thị trường cho vay cầm đồ của Mỹ sẽ đạt trị giá 4,12 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 6,8%. Số người làm việc trong ngành cầm đồ ở đây lên đến trên 70 nghìn người. Các chuỗi cầm đồ lớn như FirstCash, Big Pawn, EZCorp, PAWNGO, UltraPawn… đều có nhiều triệu khách hàng thường xuyên.

Còn tại Thái Lan, năm 2021, tổng doanh thu của Muang Thai Capital là hơn 16 tỷ baht (gần 500 triệu USD, tăng 8,8% so với 2020). Tại đây cửa hàng cầm đồ có xu hướng phát triển thành cửa hàng tài chính tiện ích, tích hợp các dịch vụ như thu hộ chi hộ, thanh toán hoá đơn, nạp rút chuyển nhận tiền… Điển hình cho sự chuyển hướng đó là Ngern Tid Lor (NTL), công ty đã chính thức lên sàn vào tháng 5/2021 với giá trị vốn hoá đạt 84.643 triệu THB (gần 2,4 tỷ USD). Trước khi trở thành cửa hàng tài chính tiện ích, NTL là chuỗi cửa hàng cầm đồ, cho vay bằng đăng ký xe máy, ô tô.

Thị trường tài chính cầm đồ của Việt Nam được đánh giá có nhiều nét tương đồng với Thái Lan và dư địa phát triển thị trường còn rất lớn. Theo thống kê, có tới 69% người Việt chưa có tài khoản ngân hàng, chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chínhngân hàng và hơn 33,4 triệu người đang lao động ở khu vực phi chính thức - đây là đối tượng khách hàng chính mà các doanh nghiệp cầm đồ và doanh nghiệp tài chính vi mô hướng đến.

Theo thống kê của FiinGroup, tỷ lệ dư nợ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ tín dụng tiêu dùng/GDP của Hong Kong đang là 90,54%; Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Sigapore, Đài Loan, Trung Quốc đều trên 50%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này mới là 27,17%.

Hoạt động cho vay cầm đồ được đánh giá tiềm năng và có nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên, hiện nay lại đang gặp nhiều vướng mắc trong cơ sở pháp lý về thu hồi nợ do các quy định pháp luật chưa đầy đủ, chế tài chưa đủ mạnh… Ngoài ra, hiện nay mới có quy định về trần lãi suất cho vay 20%/năm (theo Bộ Luật Dân sự năm 2015) nhưng lại chưa có các quy định cụ thể về các mức phí như phí thẩm định điều kiện cho vay, phí quản lý tài sản cầm cố… dẫn đến người vay phải trả mức phí cao và người cho vay có thể vi phạm pháp luật.

Đặc biệt sau khi loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị bãi bỏ tại Luật Đầu tư 2020, để đòi nợ, các tổ chức cho vay có thể áp dụng thêm hình thức khởi kiện ra toà hoặc tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên các biện pháp này trên thực tế là không hiệu quả. Phản ánh của các tổ chức tài chính cầm đồ cho biết, các vụ việc liên quan đến hành vi khủng bố, cưỡng đoạt tài sản được công an khởi tố, triệt phá trong thời gian qua đã tạo ra một "làn sóng" bùng nợ có chủ đích khiến các tổ chức cho vay tài chính gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, thậm chí thua lỗ nặng nề.

Đề xuất xem xét lại quỹ định lãi, phí

Một số nước trong khu vục có quy định cụ thể về lãi suất cho vay và các loại phí với dịch vụ cầm đồ như Singapore quy định lãi suất trần không vượt quá 1,5%/tháng và có quy định cụ thể về các khoản phụ phí như sau: Thu phí 2 USD đối với các thủ tục thay đổi thông tin không trọng yếu liên quan tới khoản cầm đồ; Thu phí 10 USD đối với chuộc lại tài sản cầm cố khi người chuộc không còn giữ giấy chứng nhận cầm cố; Thu phí 10 USD đối với trường hợp chủ tài sản đến chuộc lại tài sản thuộc sở hữu của mình, do người khác cầm cố và có quy định rõ không được phép thu thêm bất kỳ khoản phí nào ngoài những khoản trên.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Malaysia, Hong Kong cũng có quy định trần lãi suất dao động từ 2-3,5%/tháng và quy định chi tiết một số khoản phí, mức phí được thu thêm.

Về quy định quản lý hoạt động thu hồi nợ, các quốc gia này cũng có những quy định rất cụ thể như: Sau khi xác minh tình trạng, khả năng thanh toán của người đi vay, chủ nợ sẽ gửi thư đòi nợ cho người vay; Nếu người đi vay không phản hồi, chủ nợ sẽ chỉ định bên thứ ba thu hồi nợ hoặc khởi kiện để đòi nợ; Người thu hồi nợ phải tuân theo các quy định của "Bộ quy tắc ứng xử về thu hồi nợ". Không được có hành động quấy rối đối với người đi vay; Không cử quá 5 chuyên viên thu hồi nợ cùng một lúc đến địa chỉ người đi vay; Nếu người thu hồi nợ có hành vi quấy rối sẽ phải đối mặt với một số khoản phạt như: Gây tổn thương về thể chất phạt khoảng 90 triệu đồng cộng với phạt từ 2-10 năm tù (tùy vào trường hợp); Phá hoại tại cơ sở người đi vay bị phạt khoảng 35 triệu đồng.

Cho vay cầm đồ: Đề xuất xem xét lại quy định về lãi, phí
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI. Ảnh: Trọng Hiếu
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI cho rằng, vấn đề cần đặt ra ở đây là hiện các doanh nghiệp tiêu dùng cũng như dịch vụ cho vay cầm đồ đang gặp khó khăn trong việc cho vay với quy định về trần lãi suất và phí dịch vụ, cũng như thu hồi nợ. Vì vậy, cơ quan quản lý phải có những quy định để làm sao quản lý điều chỉnh, quản lý được các hoạt động này; cần có hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho thị trường phát triển nhưng không để không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

"Cần có những quy định cụ thể hơn về trần lãi suất. Nên nghiên cứu thông lệ quốc tế như lãi suất cho vay cầm đồ có thể cao gấp 1,5 hay 3 lần lãi suất ngân hàng. Hoặc một mức lãi suất hợp lý hơn con số 20%/năm theo Bộ Luật Dân sự 2015 hiện nay, khoảng 50% hoặc bỏ trần lãi suất và để theo thoả thuận các bên", ông Đức nói.

Cùng với đó, về hoạt động thu nợ, ông Đức cho rằng, cần làm chuyên nghiệp hóa và nên có đạo luật xử lý nợ để giải quyết các vấn đề trên.

Đồng quan điểm với ông Trương Thanh Đức, từ góc độ một công ty chuyên nghiên cứu, tư vấn thị trường, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Điều hành, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị Trường và Tư vấn, FiinGroup khuyến nghị: Cần ban hành quy định cụ thể về trần lãi suất cho vay và các loại phí dịch vụ kèm theo của loại hình TCTD phi chính thức, chứ không chỉ là trần lãi suất cho vay như quy định hiện tạitrong Bộ Luật Dân sự 2015.

Cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng; và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ.

Cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại) (đặc biệt là công khai các hình thức đòi nợ hợp pháp, các hành vi đòi nợ bị cấm và chế tài xử phạt nặng nếu vi phạm …).

Cuối cùng, ông Đồng khuyến nghị nên truyền thông về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ trả nợ của người đi vay, các rủi ro liên quan đến việc không trả nợ đúng hạn, từ đó giúp người dân hình thành thói quen vay và trả nợ vay tiêu dùng văn minh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại