Chính sách tiền tệ năm 2022: Đã đến lúc “rút củi đáy nồi”
TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng đánh giá rất cao điều hành chính sách tiền tệ năm 2021. Song chuyên gia này cảnh báo, rất nhiều thách thức đặt ra cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.
Năm 2021, chính sách tiền tệ đứng trước rất nhiều áp lực: vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?
Có thể nói, năm 2021 là năm khó khăn chưa từng thấy, dịch bệnh tàn phá khủng khiếp, tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục. Trong bối cảnh đó, NHNN đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu của mình là kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc giữ ổn định vĩ mô rất quan trọng, không chỉ tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư, mà còn ổn định được tỷ giá, tạo tiền đề vững chắc cho các thị trường khác phát triển (nhất là thị trường chứng khoán).
Ngoài ra, dưới sự điều hành của NHNN, năm qua, lãi suất thị trường tiếp tục có xu hướng giảm (một phần do lạm phát thấp, một phần nhờ phản ứng tích cực với điều hành chính sách tiền tệ). Tín dụng tiếp tục tăng trưởng với liều lượng thích hợp, dòng vốn được rót vào các lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, mặc dù Covid-19 khiến nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, song tất cả các ngân hàng đều có thanh khoản tốt, kể cả các ngân hàng có khó khăn về thanh khoản trong giai đoạn trước.
Dù giữ được ổn định vĩ mô, song nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ sau 4 đợt dịch, mong đợi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân hàng. Theo đánh giá của ông, năm 2021, hỗ trợ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp ra sao?
Trên thế giới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau khủng hoảng, chính phủ các nước thường sử dụng "tiền tươi" từ ngân sách. Việc kéo ngân hàng vào cuộc là điều cấm kị, bởi nếu một doanh nghiệp sụp đổ có thể không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, song một ngân hàng sụp đổ sẽ mang lại hậu quả khôn lường.
Ở Việt Nam, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, chúng ta vẫn chưa có gói tài trợ trực tiếp nào có quy mô đáng kể. Hầu hết là các gói hỗ trợ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế… với tổng giá trị quy đổi chưa tới 1% GDP.
Trong khi đó, 2 năm qua, chính sách tiền tệ vào cuộc rất tích cực. NHNN đã ban hành 3 thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Việc ban hành cơ chế giãn, hoãn nợ đã giảm sức ép nợ nần cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì được hoạt động, thanh khoản vững chắc. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn cam kết giảm hàng chục tỷ đồng lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, lấy từ nguồn lợi nhuận của mình.
Nhiều người cho rằng, các ngân hàng lãi lớn, việc hỗ trợ doanh nghiệp là đương nhiên. Tuy nhiên, thực tế lợi nhuận ngân hàng năm 2021 là lợi nhuận “ảo”. Nếu thời gian tới, NHNN dừng chính sách giãn hoãn, cơ cấu nợ, hàng loạt khoản vay biến thành nợ xấu, buộc mạnh tay trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận có thể sẽ giảm mạnh.
Vậy còn hạn chế của chính sách tiền tệ năm 2021 thì sao, thưa ông?
Theo tôi, hạn chế lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2021 là việc điều hành tín dụng vẫn theo cơ chế xin - cho (cấp room tín dụng). Mặc dù NHNN giải thích việc cấp room tín dụng là để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, nhưng tôi cho rằng, NHNN nên sử dụng các công cụ thị trường hơn, không nên sử dụng “giấy phép con” này. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc cấp room tín dụng không còn cần thiết.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro liên quan cho vay sân sau, sở hữu lũng đoạn, liên kết phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… Những rủi ro này chưa ai tính toán được mức độ nguy hiểm tới hệ thống, song nếu không kịp thời ngăn chặn, đến thời điểm nào đó sẽ ngoài tầm với của cơ quan thanh tra, giám sát.
Ngoài ra, về số hóa, thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam tích cực chuyển đổi số, nhưng đa phần lựa chọn phương thức tiếp cận từ từ, đồng nghĩa phải duy trì cùng lúc cả hai hệ thống: ngân hàng truyền thống và ngân hàng số, hai hệ thống này cần phải tích hợp dần với nhau. Nhược điểm của cách thức số hóa này là chắp vá, thậm chí, ngân hàng truyền thống sẽ chống lại ngân hàng số, làm chậm quá trình số hóa.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không còn thuận lợi bởi lạm phát có nguy cơ tăng mạnh, một phần do lạm phát thế giới, một phần do Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được triển khai. Quan điểm của ông thế nào?
Hiện nhiều nước trên thế giới đang bị 2 lạm phát chồng lên nhau là lạm phát chi phí đẩy (nguyên liệu tăng giá, cung thấp do đứt gãy chuỗi cung ứng) và lạm phát cầu kéo (do bơm tiền). Năm 2022, tôi cho rằng, lạm phát chi phí đẩy trên thế giới sẽ có xu hướng giảm, song lạm phát cầu kéo sẽ tăng.
Tại Việt Nam, nhiều người đang “dọa” lạm phát năm 2022 sẽ tăng mạnh, một phần do ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát, một phần do ảnh hưởng các gói kích thích sắp được thực hiện.
Tôi cho rằng, việc các gói kích thích sắp triển khai trong nước không đáng ngại bằng “cuộc đua” phá giá đồng tiền có thể xảy ra thời gian tới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Lúc đó, lạm phát cầu kéo (do các nước phá giá tiền tệ) sẽ rất tệ hại.
Mặc dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của NHNN, tôi cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ không đáng ngại, chỉ quanh 3% vì quy mô gói kích thích không lớn, thực hiện trong nhiều năm. Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến 30.000 - 40.000 tỷ đồng cũng không đủ sức gây ra lạm phát cầu kéo vì quan điểm của NHNN là không tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.
Đương nhiên, việc “chậm nhịp” trong đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế khiến dư địa thời gian với chính sách giảm lãi suất ở nước ta không còn nhiều nữa. Vì vậy, theo tôi, năm 2022, mặt bằng lãi suất cũng sẽ được giữ ổn định như năm nay, nếu có biến động cũng không đáng kể, chỉ xoay quanh 1%. Áp lực tăng lãi suất năm tới (nếu có) là do nhu cầu tín dụng tăng, cộng với việc NHNN dừng chính sách giãn, hoãn nợ.
Trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới như vậy, theo ông, điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 sẽ phải lưu ý những gì?
Theo tôi, năm 2022, NHNN cần tập trung hoàn thiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thị trường hơn. Đồng thời, phải dần “rút củi đáy nồi”, giảm dần các gói giãn, hoãn, yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, nhận diện nợ xấu.
NHNN phải tiếp tục kiên định quan điểm thận trọng sử dụng chính sách tiền tệ nhằm phục hồi nền kinh tế. Theo tôi, các gói hỗ trợ trực tiếp thời gian tới chỉ nên ưu tiên hỗ trợ cho người lao động. Riêng với doanh nghiệp, ngoài gói hỗ trợ lãi suất, cần có nguồn lực tài chính trực tiếp từ ngân sách để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.
Thời gian qua, rất nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc… không hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bằng tiền, nhưng có cách làm rất hiệu quả, đó là Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đương nhiên, những doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh phải là những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao. Các quốc gia này coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu cho doanh nghiệp, quan trọng không kém thị trường chứng khoán. Đây cũng là lý do họ phải vệ rất kỹ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận