Chính sách tiền tệ có đóng góp quan trọng vào thành tựu của kinh tế Việt Nam 2019
Tối ngày 13/12, tại trụ sở 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với đại diện lãnh đạo các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các Đại sứ quán, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các chuyên gia nướ
Tại buổi gặp, đại diện các tổ chức nước ngoài đánh giá cao những thành tựu đạt được của Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là những đóng góp của điều hành chính sách tiền tệ. Dưới đây là ý kiến từ đại diện một số tổ chức.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam:
Nền kinh tế vững vàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động
Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại những thành công đã đạt được trong năm 2019 và cũng là lúc để đánh giá, nhận diện về những thách thức cả bên trong và bên ngoài và đề ra các hành động, kế hoạch của chúng ta cho năm 2020 sắp tới.
Tôi muốn nhấn mạnh tới 3 điểm mà Chính phủ và NHNN đã đạt được trong năm 2019: Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục có được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục (trung bình đạt 1,5 tỷ USD/tháng), xuất khẩu vẫn tốt với mức tăng trưởng cao gấp khoảng 4 lần mức tăng trưởng trung bình của xuất khẩu toàn cầu…
Những yếu tố đó cho thấy nền kinh tế tiếp tục vững vàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và bất định ngày càng tăng.
Trong cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% lên khoảng 6,8% cho năm 2019 và điều này cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
Thứ hai, trong lĩnh vực ngân hàng, tôi rất ấn tượng với những gì đạt được trong năm vừa qua. Những thách thức với hệ thống ngân hàng tiếp tục được giải quyết, từ vấn đề nợ xấu đến xử lý các ngân hàng yếu kém. Hệ thống ngân hàng hiện nay đã có được lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu thấp và về tổng thể, khu vực ngân hàng đã tạo ra một bước ngoặt dù phía trước vẫn còn những thách thức.
Vì vậy, chúng tôi tin rằng, chúng ta cần nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng được một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh. Như tục ngữ có câu “Đừng để nước đến chân mới nhảy”. Nói cách khác, cách tốt nhất để sửa mái nhà là khi trời đang nắng. Đây là lúc trời đang nắng và vì thế đây cũng là thời điểm chúng ta cần sửa mái nhà, bằng cách cùng nhau và hỗ trợ Việt Nam để tăng cường lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, tôi đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong dẫn dắt triển khai chương trình nghị sự về tài chính toàn diện, hoàn thành đúng thời gian việc xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Để thực sự mang lại lợi ích cho mọi người dân, chúng ta cần hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược và chương trình đề ra. Chúng tôi ủng hộ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHNN để phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ sớm được triển khai trong năm 2020.
Năm 2020, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để thoát bẫy thu nhập trung bình. Một trong những thách thức là xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh, từ mức 21% năm 2017 xuống chỉ còn khoảng 8% 2019, và mức giảm còn lớn hơn nữa nếu không tính xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đáng lưu tâm là hiện nay, môi trường và nhu cầu thương mại còn bất định hơn với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký mới đã giảm xuống khoảng 6% trong 2 năm vừa qua. Ngoài ra, thị trường vốn của Việt Nam dù tăng trưởng tốt trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan.
Chúng ta cần tiếp tục làm việc cùng nhau để cải thiện sự bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế, phát triển khu vực ngân hàng và thị trường vốn. Chúng ta cũng cần nỗ lực để cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Những điều này không chỉ tốt cho Việt Nam trong ngắn hạn mà còn cho dài hạn.
Với tư cách là đối tác phát triển của Việt Nam từ lâu nay, WB cũng như các đối tác phát triển khác luôn bên cạnh và đồng hành cùng Việt Nam để thực hiện những cải cách cũng như hóa giải những thách thức này trong những năm tới.
Ông Francois Painchaud, Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam:
Chính phủ, NHNN nên tự hào vì những việc đã làm được
Tôi muốn chúc mừng NHNN và Chính phủ Việt Nam về những thành quả đạt được của năm 2019. Với những chính sách đúng đắn và quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam tiếp tục ghi nhận một năm tăng trưởng toàn diện với kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì trong bối cảnh bất định và căng thẳng thương mại gia tăng. Lạm phát được duy trì ở mức thấp, dự trữ ngoại hối tiếp tục được tăng cường, các gối đệm tài khóa ngày càng tốt hơn.
Các chuyển biến khác cũng rất đáng ghi nhận như việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập mạnh mẽ hơn, cải cách khu vực công và lĩnh vực tài chính… Đây là những thành quả cho thấy năm 2019 thực sự là một năm thành công đáng ghi nhận và Chính phủ, NHNN nên tự hào vì những việc đã làm được.
Tôi cũng muốn đặc biệt chúc mừng NHNN trong nỗ lực giữ ổn định lĩnh vực tài chính, giảm bớt tăng trưởng tín dụng, tăng cường giải quyết nợ xấu và tăng cường các quy định tài chính thận trọng.
Ngoài ra, một điểm tôi muốn nhấn mạnh là trong năm 2019, NHNN đã tiếp tục tiến hành hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ với sự hỗ trợ của IMF và chúng tôi cũng ghi nhận rất cao cam kết của NHNN trong việc nâng cao năng lực dự báo và phân tích.
Hiện tại, IMF đang hỗ trợ với chương trình nâng cao năng lực phát triển của Việt Nam, trong đó có việc tăng cường năng lực phân tích kinh tế vĩ mô, chất lượng công bố thông tin, quản lý dự trữ ngoại hối và cải cách đầu tư công.
Nhìn về tương lai, 2020 sẽ là năm vô cùng quan trọng với Việt Nam. Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN, cũng là năm kết thúc của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, do đó phía trước sẽ là rất nhiều công việc phải làm. Chúng tôi rất hoan nghênh khi Chính phủ và NHNN tiếp tục cam kết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tiến hành cải cách.
Chúng tôi cho rằng, các ưu tiên chính cần tập trung vào hiện đại thể chế kinh tế, tăng cường quản trị, thúc đẩy tăng năng suất và tăng trưởng dựa trên sự dẫn dắt của khu vực tư nhân. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Chính phủ và NHNN bằng bất cứ cách nào có thể.
Bà Natalia Ansell, Tổng giám đốc Citi Việt Nam:
Chính sách tiền tệ có đóng góp quan trọng cải thiện tín nhiệm quốc gia
Thật không dễ để trong một vài lời nhận xét có thể diễn tả hết được về những thành tựu rất lớn mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2019. Tăng trưởng kinh tế gần 7%, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu 4%, lãi suất, tỷ giá được điều hành hiệu quả trong bối cảnh vô cùng biến động và khó khăn của tình hình vĩ mô thế giới… là những điểm nhấn có thể nhắc tới.
Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ chủ động cũng như quản lý và giám sát hiệu quả hệ thống ngân hàng của NHNN đóng góp rất quan trọng giúp cải thiện thứ bậc xếp hạng tín nhiệm của quốc gia như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã ghi nhận trong năm 2019.
NHNN đã có những nỗ lực rất lớn trong triển khai các nghị quyết của Chính phủ đối với cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, cải cách môi trường kinh doanh trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và điều này đã đóng góp rất nhiều cho ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và tích cực.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam ở mức cao và tiếp tục là điểm nhấn góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đối với các ngân hàng nước ngoài, trong đó có Citi, chúng tôi luôn sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp quốc tế tới làm việc và đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ các nhu cầu tài chính cho doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ tài chính, thanh toán an toàn…
Chúng tôi cũng thấy rất phấn khích bởi tầm nhìn cũng như kế hoạch của NHNN trong việc tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển cơ sở hạ tầng cho ngân hàng số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xu hướng này trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cơ chế hợp tác giữa Nhóm công tác ngân hàng (BWG) với NHNN trong các đối thoại chính sách để cải thiện khung khổ pháp lý hoạt động ngân hàng cũng là một minh chứng khác nữa về cách các ngân hàng nước ngoài như chúng tôi có thể đóng góp cho một hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng ổn định hơn. Và các ngân hàng nước ngoài cam kết sẽ tiếp tục hợp tác này trong năm 2020 cũng như những năm sau đó.
Các ngân hàng nước ngoài chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ NHNN trong lĩnh vực tài chính toàn diện, hợp tác với Chính phủ, NHNN và các tổ chức đa phương trong tăng cường công tác quản lý lĩnh vực tài chính và đầu tư công trong giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế thông qua việc nâng cao lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường vốn; đẩy mạnh quá trình số hoá; thu hút nhiều hơn các tổ chức đa quốc gia đến đầu tư vào Việt Nam và tạo điều kiện tốt nhất cho các khách hàng/doanh nghiệp trong bối cảnh ngày càng nhiều FTA có hiệu lực.
Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam:
Tín dụng đã chảy tốt hơn vào những lĩnh vực lành mạnh
Chúng tôi đánh giá cao và chúc mừng NHNN và các đối tác phát triển đã cùng nỗ lực để góp phần giúp cho kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định. Năm 2019, kinh tế Việt Nam về tổng thể rất tích cực, lạm phát thấp và ổn định.
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu cũng mang lại những kết quả tích cực khi tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về mức phù hợp. Điều đó cũng có nghĩa các dòng vốn tín dụng đã chảy tốt hơn vào những lĩnh vực lành mạnh, trong khi cho vay các lĩnh vực rủi ro hơn được kiểm soát tốt hơn.
Trong những năm qua, JICA đã có nhiều dự án hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nói chung, NHNN nói riêng. Hiện chúng tôi đang triển khai dự án “Tăng cường năng lực cho NHNN trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, phân tích và dự báo kinh tế”.
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu tăng cường kiến thức, kỹ năng phân tích kinh tế, dự báo, hoạch định chính sách của các cán bộ nòng cốt của NHNN, từ đó giúp NHNN nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường năng lực thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tôi kỳ vọng dự án này sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần vào những thành công của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng:
NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt
Chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ của toàn cầu sau những thách thức khác nhau vào năm 2019. Với những thách thức bên ngoài và bên trong, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể. Tăng trưởng GDP cả năm nay có thể đạt mức khoảng 7%, và tăng trưởng cao đó đạt được trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, với tỷ lệ lạm phát bình quân quanh mức 3%, trong đó lạm phát cơ bản khoảng 2%.
Đáng lưu ý, trong khoảng 4 năm trở lại đây thanh khoản đã được bơm mạnh ra thị trường nhưng không gây áp lực nào đối với lạm phát. Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ đã được triển khai phù hợp và thận trọng. Nên tôi cho rằng việc thiết kế và điều hành chính sách tiền tệ cho đến nay là thành công, đóng góp vào mục tiêu xây dựng khung khổ kinh tế vĩ mô bền vững cho phát triển cao hơn trong tương lai.
Chúng ta cũng thấy các động lực tăng trưởng tiếp tục được duy trì với những với kết quả đáng khích lệ từ việc thực hiện chương trình cải cách trong các ngành kinh tế quan trọng.
Chúng tôi vui mừng khi thấy rằng, ngành Ngân hàng đã đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tỷ giá được giữ ổn định, lãi suất được điều hành phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng lên mức kỷ lục vào năm 2019, cho thấy sự tin tưởng cao hơn vào các chính sách của Chính phủ và NHNN, từ đó hỗ trợ các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện năng lực chống chịu và hướng tới đạt được sự phát triển ngày càng bền vững.
Kết quả đáng khích lệ cũng có thể nhìn thấy trong hoạt động tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu. NHNN đã tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế để hoạt động của các ngân hàng theo hướng thận trọng hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế để quản trị, quản lý rủi ro ngày càng tốt hơn.
Hiện tại, 18 ngân hàng được NHNN được phê duyệt áp dụng Thông tư 41 (tuân thủ theo các tiêu chuẩn Basel II), trước thời hạn quy định. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể và được kiểm soát ở mức thấp, trong khi các quy định trong hoạt động ngân hàng đã được tăng cường, qua đó giúp tăng cường niềm tin của công chúng và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Những thành tựu này sẽ không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ từ tất cả các bạn - các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và ngân hàng nước ngoài. Những nỗ lực chung của các bạn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc truyền tải các chính sách của Việt Nam tới các cộng đồng quốc tế, do đó giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Năm 2020 đang đến gần với những cơ hội và thách thức mới. Chính phủ kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực quan trọng và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt và phối hợp tốt với các chính sách kinh tế vĩ mô khác; giám sát tốt hơn hệ thống ngân hàng để duy trì ổn định tài chính tiền tệ và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ Chính phủ và NHNN trong chặng đường sắp tới với kỳ vọng những thành công mới.
2020 là năm cuối trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, vì vậy chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn này, đồng thời cũng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Hiện, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Do đó đối với lĩnh vực ngân hàng, NHNN cũng đang làm việc để có được một khung khổ tốt hơn cho phát triển trong giai đoạn tới. Trong đó, chúng tôi đang rà soát, để xuất sửa đổi lại các khung khổ luật pháp liên quan, như Luật NHNN, Luật các TCTD và đang cố gắng để đưa những vấn đề mới bổ sung trong các dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào đầu năm 2021.
Trong quá trình rà soát sửa đổi bổ sung đó, chúng tôi rất kỳ vọng các bạn sẽ hỗ trợ, đóng góp ý kiến để trong tương lai chúng ta sẽ có được hệ thống khung khổ luật pháp phù hợp để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, hiện chúng tôi cũng đang chuẩn bị khung khổ tái cấu trúc mới cho giai đoạn 5 năm tới để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế bền vững…
Với những công việc như vậy, chúng tôi kỳ vọng hệ thống ngân hàng trong những năm tới sẽ phát triển hơn, đóng góp lớn hơn nữa cho phát triển bền vững của Việt Nam.
Năm 2020 là năm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN với hàng loạt các sự kiện quan trọng Khung hợp tác tài chính ASEAN. Chính phủ Việt Nam và NHNN mong muốn được chào đón các nhà lãnh đạo của các quốc gia, tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài tham gia chuỗi sự kiện này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận