Chính sách miễn lệ phí môn bài sẽ tác động thế nào đến kinh tế tư nhân?
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.
Đánh giá về dự thảo Nghị định này, giới chuyên gia cho rằng, chính sách miễn lệ phí môn bài trong dự thảo sửa Nghị định 139/2016/NĐ-CP ra đời sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân; trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp…
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến miễn lệ phí môn bài đối với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên (từ ngày 1/1 đến 31/12 năm khởi sự kinh doanh). Với quy định này, dự kiến số thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, chính sách này thể hiện rõ và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chú trọng phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Theo ông Được, chính sách này còn thể hiện động thái hỗ trợ tích cực và thiết thực của Chính phủ đối với phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai.
Bởi lẽ, thông qua chính sách miễn lệ phí môn bài 1 năm cho tất cả tổ chức, cá nhân mới thành lập sẽ tạo động lực khuyến khích kinh doanh và thành lập doanh nghiệp; chính sách miễn lệ phí môn bài 3 năm khi chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ cá nhân kinh doanh thành doanh nghiệp.
Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề định hướng phát triển nền kinh tế tư nhân theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và là cơ sở hình thành một nền kinh tế minh bạch và thiên về quản trị ở một tầm cao hơn. Đồng thời, khi nền kinh tế được minh bạch thì việc chống thất thu, chống xói mòn thuế và chống gian lận công vụ cũng sẽ được cải thiện rõ rệt, ông Được phân tích.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, dù lệ phí môn bài không phải là lớn nhưng là khoản bắt buộc được cơ quan thuế thu hàng năm. Đây cũng là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh.
Việc miễn lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp từ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là một trong những biện pháp ưu tiên để từ đó giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí ban đầu trong hoạt động kinh doanh.
“Tất nhiên, ngoài phí môn bài, doanh nghiệp còn phải đóng các loại thuế và phí khác, nhưng dù sao đối với người kinh doanh thì cứ giảm được khoản nào hay khoản ấy”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, mức phí môn bài không lớn nên để có ưu đãi đủ lớn đối với các hộ gia đình, khuyến khích họ chuyển lên doanh nghiệp cần có những nghiên cứu tiếp để giúp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, thị trường; ưu đãi thuế, đất đai…
“Ít nhất làm sao để doanh nghiệp cảm thấy việc chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp có lợi, góp phần làm cho hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp, tạo lợi ích cho chủ doanh nghiệp”, PGS.TS Đinh Trọng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, dưới góc độ hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp thì lệ phí môn bài chưa thực sự là yếu tố căn bản, then chốt để phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ.
Bởi lẽ, lệ phí môn bài của doanh nghiệp là một khoản chi phí chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong tổng chi phí của doanh nghiệp nên hiệu lực của chính sách này chưa trở thành nội lực tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, theo ý kiến của ông Được, bên cạnh chính sách miễn lệ phí môn bài phải có những giải pháp đồng bộ và căn cơ từ cơ chế, chính sách đến thực thi và áp dụng chính sách được thiết thực và hiệu quả như đẩy mạnh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp từ 20% xuống 15% - 17%; chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ kinh doanh theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Bên cạnh đó, yếu tố then chốt để phát triển kinh tế tư nhân là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện dịch vụ công theo hướng hiện đại, đơn giản, gọn nhẹ và khoa học để giúp quá trình ra nhập thị trường (thành lập); việc vận hành, cơ cấu lại tổ chức kinh tế (thủ tục đăng ký thay đổi, chuyển đổi …) và thủ tục rút khỏi thị trường (giải thể…) phải thực sự linh hoạt, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, tránh những hệ quả, hệ lụy cho nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ông Được cũng cảnh báo, khi thực hiện chính sách này cũng cần phải có những giải pháp để ngăn ngừa những tác động xấu của nền kinh tế như doanh nghiệp gian lận để được hưởng lợi chính sách miễn lệ phí môn bài, hoặc kinh doanh và mở doanh nghiệp khi chưa thực sự hiểu biết về quản trị doanh nghiệp, về những vấn đề pháp lý có liên quan như thuế, lao động, bảo hiểm và pháp luật... sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường cho xã hội và người kinh doanh phải giải quyết sau đó./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận