24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính sách công nghệ – Phần III

Làm thế nào một bác sĩ  người Anh có thể khiến Google gỡ bỏ kết quả tìm kiếm về những sơ suất của ông?

Vào năm 2014, một bác sĩ người Anh đã yêu cầu Google gỡ xuống 50 liên kết đến các bài báo về một số sai sót y tế mà ông đã mắc phải trong quá khứ. Căn cứ theo luật mới của châu Âu, Google đã đồng ý loại bỏ các liên kết đến 3 kết quả sẽ xuất hiện nếu ai đó tìm kiếm theo tên của vị bác sĩ đó.

Có thể hiểu là công chúng đã rất phẫn nộ về hành động đó. Mọi người thường chọn bác sĩ dựa trên những gì họ tìm hiểu được từ các kết quả tìm kiếm trên Google – và nếu kết quả về sơ suất của các bác sĩ không được hiển thị, bệnh nhân có thể đưa ra các quyết định mà không có đầy đủ thông tin, và điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tại sao Google buộc phải chấp nhận yêu cầu này và xu hướng ép buộc này là tốt hay xấu?

Quyền được lãng quên

Câu chuyện buộc Google phải gỡ bỏ những liên kết gây bất lợi cho ai đó bắt đầu ở Tây Ban Nha, vào năm 1998. Năm đó, một người đàn ông tên Mario Costeja Gonzalez nợ nần chồng chất đến mức các tờ báo địa phương đã đưa tin về ông ta. Năm 2010, người này rất thất vọng khi tìm kiếm trên Google theo tên mình vẫn thấy hiển thị những bài báo nói về chuyện đó, và chúng làm tổn hại đến danh dự của ông ta, mặc dù chuyện đã xảy ra hơn một thập kỷ. Vì vậy, ông đã yêu cầu Google gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm đó. Chuyện này leo thang thành một vụ kiện lên Tòa án Công lý châu Âu vào năm 2014, khi đó tòa án phán quyết rằng, ở Liên minh châu Âu, quyền riêng tư sẽ bao gồm “quyền được lãng quên”.

Theo luật này, ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, nếu bạn tìm kiếm theo tên mình trên Google và thấy một liên kết đến một website có chứa thông tin “không đầy đủ, không liên quan hoặc không còn liên quan” về bạn, bạn có thể yêu cầu Google xóa website đó khỏi kết quả tìm kiếm theo tên của bạn.

Người dùng có thể yêu cầu gỡ xuống bằng cách sử dụng biểu mẫu trên website của Google. Sau đó, Google phải quyết định có giữ lại trang đó hay không. Công ty sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích của người đó khi che giấu thông tin so với tầm quan trọng của thông tin đó khi công chúng biết về nó. Nếu Google không chấp thuận hoặc Liên minh châu Âu không thích quyết định của họ, thì Liên minh châu Âu có thể có hành động pháp lý chống lại Google.

Nếu Google quyết định kiểm duyệt kết quả tìm kiếm cho một cụm từ cụ thể, họ sẽ cho hiển thị đến bạn một thông báo ở đầu trang: Một số kết quả có thể đã bị xóa theo luật bảo vệ dữ liệu ở châu Âu.

Điều luật “quyền được lãng quên” đã được viện dẫn hàng triệu lượt. Google bắt đầu chấp nhận yêu cầu gỡ xuống vào tháng 5 năm 2014, và trong vòng một tháng, họ đã nhận được 50.000 yêu cầu như vậy. Trong vòng ba năm, Google đã được yêu cầu xóa hơn 2 triệu URL, 43% trong số đó đã được gỡ xuống. Các website nhận được nhiều yêu cầu nhất bao gồm Facebook, YouTube, Twitter, Google Groups , Google Plus và Instagram.

Hầu hết các yêu cầu gỡ xuống đó đều khá vô hại: ước tính 99% các yêu cầu nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của những người vô tội. Ví dụ, một người sống sót sau cuộc tấn công tình dục đã yêu cầu Google phải che các bài báo về tội ác này. Nhưng một số yêu cầu thì tai hại hơn, như vị bác sĩ người Anh với những sai phạm trong quá khứ mà chúng tôi đã đề cập, một chính trị gia muốn che giấu các bài báo không hay về quá khứ của mình, và một tên tội phạm đã bị kết án muốn xóa những bài viết về những việc làm sai trái của mình.

Điều quan trọng cần lưu ý là viện dẫn quyền được lãng quên không có nghĩa là bạn được phép xóa sạch một thứ gì đó trên Internet. Ngay cả khi Google đã ẩn liên kết đến một bài báo khỏi kết quả tìm kiếm theo tên của bạn, liên kết đó sẽ vẫn hiển thị trong các tìm kiếm khác. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của vị bác sĩ người Anh. Các bài báo về sơ suất của ông ta sẽ không hiển thị khi tìm kiếm theo tên, nhưng chúng có thể hiển thị cho một tìm kiếm như “sơ suất của bác sĩ người Anh”. Và tất nhiên, bài báo đó sẽ vẫn tồn tại trên website gốc. Đáng chú ý hơn, quy định đó chỉ áp dụng cho các công cụ tìm kiếm của Google ở châu Âu. Một kết quả tìm kiếm đã bị xóa có thể không xuất hiện ở Google.de hoặc Google.fr, nhưng bất kỳ ai tìm kiếm trên Google.com – thậm chí một người đang ở châu Âu – vẫn có thể nhìn thấy kết quả đó. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu của Pháp đã nhận thấy lỗ hổng này và yêu cầu Google xóa kết quả khỏi tất cả các công cụ tìm kiếm của nó trên toàn thế giới.

Tha thứ và quên lãng?

Các nhà bình luận trên khắp thế giới đã rất phẫn nộ trước điều luật “quyền được lãng quên”, họ nói rằng điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận và báo chí. Google gọi đây là “phán quyết đáng thất vọng đối với các công cụ tìm kiếm và các nhà xuất bản trực tuyến nói chung”, và người đồng sáng lập Google Larry Page cảnh báo rằng, điều luật này có thể kìm hãm các công ty khởi nghiệp trên Internet. Những người khác lo sợ rằng các chính phủ chuyên chế có thể sử dụng điều luật này như một tiền lệ để biện minh cho việc kiểm duyệt hàng loạt. Triết lý hơn, một số nhà quan sát cho rằng thật kỳ lạ khi một công ty tư nhân về công cụ tìm kiếm bây giờ phải là người phán xét tự do ngôn luận.

Nhưng những người ủng hộ điều luật đã gọi quyền được lãng quên là quyền cá nhân. Một số người ủng hộ quyền riêng tư coi đó là một chiến thắng. Luật pháp cũng có thể chấm dứt tình trạng những hành vi thiếu thận trọng thời trẻ có thể quay trở lại ám ảnh con người mãi mãi – trong thế giới này, nơi mọi thứ được ghi lại vĩnh viễn trên Internet, thì khả năng tha thứ và lãng quên có thể là một thay đổi đáng hoan nghênh.

Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận chỉ có thể trở nên lắng dịu trước một vấn đề liên quan đến giá trị. Trong khi người Mỹ có xu hướng coi trọng quyền tự do ngôn luận hơn so với hầu hết mọi thứ khác, người châu Âu thường nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền riêng tư. Điều đó có thể giải thích sự khác nhau về quan điểm đối với quyền được lãng quên – và đó cũng là dấu hiệu cho thấy những tranh cãi liên quan đến luật pháp sẽ không sớm bị lãng quên.

Làm thế nào chính phủ Mỹ có thể tạo ra ngành công nghiệp thời tiết trị giá hàng tỷ USD?

Trước năm 1983, nguồn dữ liệu và dự báo thời tiết duy nhất – từ nhiệt độ đến lốc xoáy – là từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS – the National Weather Service), một cơ quan chính phủ Mỹ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu với đầy tinh thần trách nhiệm từ năm 1870. Năm 1983, NWS đã thực hiện một bước đi chưa từng có là cung cấp dữ liệu của mình cho các bên thứ ba. Các công ty tư nhân có thể mua dữ liệu của NWS và sử dụng nó trong các sản phẩm hoặc dự báo của riêng họ.

Cho dù NWS có mong đợi điều đó hay không, thì động thái đơn giản này đã thúc đẩy sự ra đời của ngành dự báo thời tiết trong khu vực kinh tế tư nhân. Ngành thời tiết, bao gồm các công ty lớn như AccuWeather, Weather Channel và Weather Underground hiện nay được định giá khoảng 5 tỷ USD. Nói cách khác, chính phủ Mỹ đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD chỉ bằng cách công bố dữ liệu cho công chúng.

Đây là một quan hệ đối tác tự nhiên. Các công ty tư nhân không thể xây dựng các vệ tinh và radar cần thiết để thực hiện hàng triệu phép đo thời tiết chính xác, nhưng chính phủ có thể cung cấp những dữ liệu này. Đổi lại, các công ty thời tiết đưa ra các dự báo và công cụ để giúp người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, AccuWeather đã xây dựng phần mềm cho phép xác định các điều kiện thời tiết khắc nghiệt một cách chính xác, đến mức họ có thể biết đoạn đường sắt nào sẽ bị ảnh hưởng. Có lần, AccuWeather nhận thấy một cơn lốc xoáy sắp ấp vào một thị trấn ở Kansas và họ đã thông báo cho công ty đường sắt ở thị trấn đó. Công ty đường sắt này đã cho dừng hai đoàn tàu đang hướng về thị trấn, và “hành khách trên tàu đã được quan sát cơn lốc xoáy lớn, trong ánh sáng của những tia sét, đi qua giữa hai đoàn tàu”.

Xin chào mừng bạn đã đến thế giới của “dữ liệu mở”, ý tưởng ở đây là các tổ chức như chính phủ nên công khai dữ liệu, cho phép tái sử dụng những dữ liệu đó miễn phí và tạo điều kiện để có thể dễ dàng phân tích các dữ liệu đó trên máy tính. Bên cạnh ngành công nghiệp thời tiết, dữ liệu mở đã tạo ra – và có thể sẽ tạo ra – tác động kinh tế to lớn. Ví dụ, năm 1983, chính phủ Mỹ đã công khai dữ liệu GPS, và ngày nay hơn 3 triệu việc làm, từ lái xe tải đến nông nghiệp chính xác đang dựa vào dữ liệu GPS mở. (Xe tự lái cũng được hưởng lợi từ động thái này).

Chưa hết, McKinsey – một tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh, ước tính dữ liệu mở của chính phủ có thể góp phần đưa 3 nghìn tỷ USD vào các hoạt động kinh tế mỗi năm. Ví dụ, dữ liệu giao thông mở có thể giúp các công ty tìm ra các tuyến đường tối ưu để vận chuyển hàng hóa, và dữ liệu giá mở có thể giúp các công ty quyết định số tiền phải trả cho các nhà thầu.

Dữ liệu mở cũng có thể mang lại lợi ích xã hội rộng lớn. Dữ liệu mở có thể giúp công dân quy hết trách nhiệm cho chính phủ, như khi một nhóm nhà báo sử dụng dữ liệu mua hàng do chính phủ Ukraine công bố để xác định những vụ việc tham nhũng đang ngày càng phổ biến, như khi một bệnh viện mua 50 cây lau nhà từ một công ty bí ẩn với giá 75 bảng Anh mỗi chiếc. Dữ liệu công khai cũng có thể giúp người dân và các công ty tạo ra các ứng dụng hữu ích: ví dụ, năm 2013, Yelp đã tích hợp điểm kiểm tra nhà hàng mở ở San Francisco và New York vào ứng dụng của mình để người dùng Yelp có thể biết xếp hạng mức độ vệ sinh của các nhà nghiên cứu người Anh phát hiện, một tập dữ liệu mở có thể giúp Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh tiết kiệm hàng trăm triệu bảng Anh.

Rõ ràng, dữ liệu mở có tiềm năng to lớn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận được những dữ liệu đó?

(còn tiếp)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả