Chính sách cấp C/O đang có vấn đề, giả mạo xuất xứ gia tăng
Trước tình trạng gian lận xuất xứ diễn ra ngày càng phức tạp, Chính phủ yêu cầu rà soát các văn bản pháp luật và tăng quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) chặt chẽ hơn.
Chiều 15-11, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với các bộ ngành liên quan về C/O, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ tại trụ sở Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, gần đây tình trạng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ diễn ra đáng lo ngại, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến như xơ sợi tăng 92%, điện và thiết bị điện 172%, 37 mặt hàng tăng trên 30%..., tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ.
"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN sản xuất hàng hoá tại Việt Nam để tiêu thụ, xuất khẩu sang các thị trường thế giới. Nhưng phải rõ quan điểm là không để lợi dụng cấp C/O để lẩn tránh phòng vệ thương mại, lợi dụng xuất xứ mang thương hiệu, ảnh hưởng môi trường đầu tư chung, uy tín của Việt Nam", ông Dũng nêu.
Doanh nghiệp FDI Trung Quốc xin cấp CO sang Mỹ tăng nhanh
Ông Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ quan liên quan chỉ ra những bất cập trong cơ chế phối hợp. Ông đặt câu hỏi với VCCI: "Có đảm bảo tiến hành kiểm tra thực tế nơi sản xuất nhà máy, nhân lực, nguyên liệu đầu vào để cấp C/O hay chỉ kiểm tra hồ sơ, giấy chứng nhận mà VCCI cấp có phù hợp hay không? Cơ quan hữu quan nói cấp C/O mẫu mới có vấn đề, trên cấp C/O nhưng dưới không phải cấp C/O?".
Theo bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI, 9 tháng đầu năm 2019 cơ quan này đã cấp hơn 472.740 bộ C/O, tăng gần 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là DN vốn nước ngoài (nhất là từ Trung Quốc) đề nghị cấp C/O không ưu đãi tại VCCI cho hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh với quy mô lên tới 7 tỉ USD, tăng 18%.
Khẳng định không có vi phạm trong việc cấp C/O nhưng ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng bộ Công Thương - chỉ ra là có tình trạng thương nhân, DN nước ngoài làm giả hồ sơ C/O xuất khẩu sang thị trường có quan hệ FTA với Việt Nam. Ông Khánh dẫn chứng đã có 10 trường hợp xuất khẩu vào Nhật Bản và 18 trường hợp xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp làm giả hoàn toàn C/O.
Cùng với đó là thương nhân nước ngoài lợi dụng DN Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh, làm giả C/O để gian lận xuất xứ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Ông Khánh cho biết thêm khó khăn hiện nay là một số thị trường không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình C/O, sự phối hợp giữa các bộ, ngành thiếu hiệu quả, chưa hoàn thiện.
Cần rà soát chính sách, có chế tài xử phạt
Ông Hoàng Việt Cường (Tổng cục Hải quan) cho rằng mặt hàng gian lận hiện nay rất đa dạng, có một số mặt hàng nhạy cảm (nhất là mặt hàng xuất sang Mỹ). Bất cập theo ông Cường là quy định về ghi nhãn hàng hoá không điều chỉnh ghi nhãn hàng hoá với hàng xuất khẩu, nên một số hàng Việt Nam không đảm bảo việc ghi nhãn "made in Vietnam".
Nhìn nhận "cơ chế chính sách hiện nay đang có vấn đề", ông Cường đề nghị tổng rà soát lại văn bản liên quan, các quy chế, quy trình, rà soát chế tài xử phạt… để có cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị trước hết cần nghiêm túc xem xét lại văn bản quy định pháp luật, sớm trình những điểm bất hợp lý, báo cáo Chính phủ để ứng xử cho kịp thời, tránh việc do sơ xuất, sai sót, đặc biệt là quy định về nguyên tắc xuất xứ hàng hoá với hàng sử dụng trong nước.
Ông đề nghị Bộ Công Thương trình sớm; điều chỉnh biện pháp cấp bách tăng quản lý trong nước để ngăn chặn gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá, kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Bộ Công Thương, VCCI, hải quan qua Cổng thông tin điện tử Quốc gia, khuyến khích các hiệp hội phát hiện vi phạm...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận